Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |
Tiết 3: Bát Nhã kiến trong Trung quán phái Ứng Thành của Mật tông (nửa trên) -2 |
Ấy thế mà Ấn Thuận sau khi phủ định Thức thứ tám, lại sợ người khác trách mình rơi vào đoạn kiến của Trung Quán phái Ứng Thành, bèn làm trái với Phật chỉ, lập riêng một thuyết “Ý thức tế tâm không thể biết, không thể chứng” trong các cuốn sách của mình, thay thế cho “Như Lai Tạng có thể biết, có thể chứng” mà Phật tuyên thuyết, biến nó trở thành Tâm nối liền sinh tử luân hồi ba đời nhằm cứu vãn cho pháp nghĩa của mình bị rơi vào đoạn kiến, rơi vào Vô nhân luận. Thế nhưng, trong các kinh Tứ A Hàm, Phật đã nói tất thảy ý thức thô hay vi tế đều có thể biết, có thể chứng, không hề có cái Ý thức nhỏ bé vi tế nào mà lại không thể biết, không thể chứng. Ấn Thuận lập riêng “Ý thức tế tâm không thể biết, không thể chứng” như thế, hiển nhiên là trái ngược với ý chỉ của Phật, chỉ là dựa vào sự kiến lập này để bổ cứu cho cái Trung Quán phái Ứng Thành mà ông ta sùng tín khỏi rơi vào đoạn kiến mà thôi. Hành vi trái giáo bội lý như thế là cùng một khuôn đúc với hành vi của những người như Nguyệt Xứng ở Thiên Trúc thời xưa, khiến cho pháp tu song thân mà Mật tông dẫn từ ngoại đạo vào được hợp lý hóa, vì Song thân pháp lấy Tâm ý thức giác tri làm trung tâm. Hành vi như vậy, sẽ khiến cho Mật tông có thể đem pháp tham dâm dục của phái Tính Lực ngoại đạo vào Phật môn, sau khi được hợp lý hóa sẽ trở thành tôn chỉ tu hành chính yếu của “Phật giáo Mật tông”, dựa vào đó mà thâm nhập vào Phật giáo chân chính, dần dần thay thế cho Phật giáo chính thống trong sự bất tri bất giác của tín đồ Phật môn; đồng thời cũng khiến cho tất cả những người tu hành Phật giáo tin theo Mật tông đều đọa vào trong nhị kiến Thường Đoạn, vì đều coi tâm thô tế của ý thức là pháp thường hằng bất hoại. Đợi sau khi Mật tông hoàn toàn thay thế cho Hiển giáo, từ đó trở đi sẽ không còn người học nào có thể chứng được Chân Thực nghĩa của Phật pháp Tam thừa nữa, nó cũng sẽ khiến cho pháp nghĩa Phật giáo rơi vào Huyền học, trở thành triết học của thế gian, tất sẽ làm cho pháp nghĩa Phật giáo bị thô thiển hóa, sự thắng diệu của Phật giáo sẽ trở nên không còn khác biệt so với các ngoại đạo pháp nữa, sẽ bị người đời coi khinh. Phật pháp một khi đã bị người đời khinh thị, thì Phật giáo cũng theo đó mà bị thế nhân coi nhẹ, dẫn đến đạo tu hành của Phật giáo càng bị rẻ rúng, không còn cung kính, ngưỡng mộ theo tu học nữa. Lúc đó, người đời chỉ coi pháp nghĩa Phật giáo như một môn triết học, chỉ nghiên cứu mà không có thực tu. Hiện tượng đi kèm theo đó là các pháp sư xuất gia Phật giáo sẽ ngày càng bị người đời coi nhẹ, vì họ không phải là người có tu, có chứng, không còn là người kế thừa pháp nghĩa thâm diệu chân chính của Phật Đà nữa. Nếu quả thật xảy ra những điều đó, thì trong đời sau, thế nhân hễ nhìn thấy pháp sư Phật giáo, sẽ không còn có chút thái độ cung kính, tôn trọng nào nữa, vì họ cũng chỉ như người thế tục mà thôi. Trong đời sau, nếu tăng bảo xuất gia thực sự chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, phát khởi trí tuệ Bát Nhã, khi xuất thế trụ trì và hoằng dương chính pháp của Phật Thế Tôn, chắc chắn vẫn sẽ bị những người học mới ở kiếp sau phủ định và tẩy chay giống như đám người của pháp sư Ấn Thuận, khiến cho sự nghiệp trụ trì chính pháp, hoằng dương Phật pháp của người chứng đạo càng trở nên gian khó. Thậm chí không lâu sau, còn bị thế lực lớn mạnh của tà kiến, tà pháp đàn áp, tiêu diệt và đào thải. Mối họa hại đó cực kỳ sâu xa, có liên quan mật thiết đến sự lợi hại thiết thân đời nay và mai sau của các pháp sư xuất gia của Phật giáo, đồng thời cũng liên quan mật thiết đến sự sống còn của chính pháp Phật giáo đời sau. Cho nên, tất cả mọi pháp sư Phật giáo không nên thờ ơ lãnh đạm, ngồi không thèm nhìn, nếu không trong khoảng 20 năm sau, tất cả sẽ luân lạc vào trong tà kiến “Vô nhân luận” của Trung Quán kiến phái Ứng Thành, không lâu sau Phật giáo sẽ bị diệt vong. Ấn Thuận vì nhiễm tà kiến của Trung Quán phái Ứng Thành, nên đã phủ định chính pháp Như Lai Tạng, tiến đến phủ định các kinh điển Đại thừa, nói đó là kinh sách cho người đời sau biên tạo, còn dám nói rằng không có thế giới Cực Lạc, thế giới Lưu Ly, không có địa ngục, cho rằng đó đều là sự bày đặt phương tiện (của Thánh nhân) nhằm giáo hóa tín chúng mà thôi. Thế nhưng, Ấn Thuận sở dĩ phủ định các kinh Đại thừa, không chịu thừa nhận đó là kinh do Phật thuyết là do ông ta không thể dựa vào kinh điển Đại thừa để chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, cho nên dứt khoát phủ định nó, để khi bị người khác đến hỏi mình rằng đã ngộ chưa thì tránh phải lúng túng trả lời “chưa ngộ”. Tuy nhiên, chỉ vì chuyện tư tâm (lòng riêng) này mà phủ định Thức thứ tám, nói Phật pháp nguyên thủy đều không nhắc đến thức thứ bảy, thứ tám; nói kinh Phật Đại thừa không phải do Phật Thế Tôn kim khẩu tuyên thuyết, nên đã khiến cho pháp Tam thừa rơi vào đoạn diệt kiến, làm cho Phật pháp Đại thừa không còn chỗ đứng, dẫn đến vai trò hộ trì Phật pháp nguyên thủy của kinh Phật Đại thừa cũng biến mất, làm cho Phật pháp nguyên thủy theo đó mà suy vi, nông hóa, càng khiến cho đông đảo người học hoài nghi không tin vào tính chân thực của chư kinh Đại thừa nữa, dẫn đến từ chối tiến tu theo lời Phật dạy trong kinh…Đó chính là đại tội lỗi của Ấn Thuận và những người theo học ông ta. Đó chính là những hành vi trực tiếp đào tận gốc, trốc tận rễ Phật pháp trong Phật môn, như thế mà họ có thể gọi là “hoằng dương Phật pháp, không phải là phá hoại Phật pháp”thì những hành vi như đốt phá chùa chiền, giết hại tăng bảo của ngoại đạo cũng có thể nói không phải là phá hoại Phật giáo nữa rồi, vì tính phá hoại của nó còn thua xa so với mức độ phá pháp nghiêm trọng của thày trò Ấn Thuận, vì thày trò họ trực tiếp đào chặt gốc rễ của Phật pháp Tam thừa từ ngay trong Phật giáo. Lại nữa, trong các trước tác của mình như “Diệu Vân Tập”, Ấn Thuận chủ trương chỉ có Tứ A Hàm mới thực sự là do Phật đích thân tuyên thuyết, cho rằng các kinh Đại thừa không phải do chính Thế Tôn nói ra, mà là sau khi Phật nhập diệt, các đệ tử đời sau cùng nhau sáng tác, rồi kết tập thành sách, vì thế không phải là do kim khẩu Phật thuyết pháp. Vì tà kiến đó, ông ta không tin theo lời Phật trong các kinh Đại thừa mà sau khi thân Phật diệt, chuyển sang Báo thân Phật thường trụ ở Sắc Cứu Cánh thiên thuyết về Nhất thiết chủng trí. Trong sách của mình, Ấn Thuận chủ trương: Thích Ca sau khi diệt, như bụi bay khói tan, thực sự không có Báo thân Phật ở trên thiên giới thuyết pháp nữa. Những lời như thế, hoàn toàn trái ngược với nội dung nói trong chư kinh A Hàm. Vì trong kinh A Hàm từng nói về “Giải thoát sắc” của Phật, ý nói chư Phật đều có “Giải thoát sắc” thường trụ bất hoại, lợi lạc hữu tình, không có cùng tận. Trong các kinh Đại thừa cũng nói chư Phật có ba loại Ý sinh thân và Báo thân trang nghiêm, thường trụ ở Tam giới mười phương để lợi lạc chúng sinh. Giải thoát sắc đó gọi là pháp vô lậu hữu vi, vì đã chứng được bốn loại Niết Bàn “hữu dư, vô dư, bản lai tự tính thanh tịnh, vô trú xứ”, không chỉ đã đoạn trừ được phân đoạn sinh tử mà còn đoạn tận biến dị sinh tử, gọi là Không cánh Niết Bàn, Đại Bát Niết Bàn, gọi là Thường Lạc Ngã Tịnh. Giải thoát sắc như thế đều được ghi chép ở trong các kinh Tam thừa, trong A Hàm cũng ghi rõ ràng, vì sao Ấn Thuận lại không tin? Vì sao Ấn Thuận lại phủ định thánh giáo lượng Phật thân thường trụ bất diệt? vì sao Ấn Thuận lại vọng ngôn nói: “Phật thân bất diệt chỉ là thuyết do đệ tử Phật đời sau vì vĩnh hằng thương nhớ mà sáng tạo ra”. Vì thế mà trong sách của mình, Ấn Thuận mới chủ trương rằng: “Thích Ca sau khi diệt, như bụi bay khói tan, thực sự không có Báo thân Phật ở trên thiên giới thuyết pháp nữa”. Những lời lẽ đó là của kẻ không biết gì về Phật pháp, chứng tỏ ông ta không có đủ tri kiến cơ bản về Phật pháp, cũng không có đủ lòng tin đối với Phật bảo và Pháp bảo. Những lời như thế đã phá hủy lòng tin và kính ngưỡng của người học đời sau đối với Phật Thích Ca. Tuy không phải là chính thức nói, nhưng tôi đời này vẫn có lúc nhận chiêu kiến đến gặp Thế Tôn, chứ không phải như Ấn Thuận nói Thế Tôn đã như bụi bay khói tan. Cho nên “Phật pháp” mà Ấn Thuận nói sao có thể tin được? Ấy thế mà tín đồ của ông ta lại mù quáng tin theo, không chút nghi ngờ, vì thày mà trừng mắt trách bừa những lời nói chân thật của Bình Thực tôi, thật đúng là những tín chúng bất chấp sự thật mà tùy tiện nói bừa. Pháp sư Ấn Thuận cũng không tin những chuyện về thế giới Tây phương Cực Lạc nói trong ba kinh Tịnh Độ, cũng không tin vào chuyện kinh Đại thừa nói có thế giới Tịnh Độ Đông phương Lưu Ly, cho rằng những chuyện đó trong kinh là sau khi Phật nhập diệt, chúng đệ tử thương nhớ Phật mà sáng tác kinh điển. Từ tà kiến đó mà ông ta phủ nhận sự tồn tại chân thật của thế giới Cực Lạc, thế giới Lưu Ly và cầm bút viết thẳng trong sách. Đối với Như Lai Tạng mà Phật nói trong “Kinh Lăng Già” vi diệu thâm quảng, ông ta còn giải thích xuyên tạc, nói không có Như Lai Tạng nào hết. Trong sách “Nhiếp Đại thừa luận giảng ký” của mình, Ấn Thuận cũng rắn mặt bóp méo sự thật rằng “không có Như Lai Tạng” trước việc cuốn “Nhiếp Đại thừa luận” của Bồ Tát Vô Trước nói rõ rằng có sự tồn tại của Như Lai Tạng nhằm phụ họa với tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông mà ông ta tin theo, có ý đồ muốn dẫn dắt người học không còn kính tín đối với chư kinh Duy Thức trong Tam chuyển pháp luân cứu cánh liễu nghĩa nữa, đồng thời muốn tín đồ không còn tin kính vào các cuốn luận chính nghĩa do bậc Bồ Tát biên tạo. Việc ông ta phủ định Thức thứ tám Như Lai Tạng pháp, khiến cho chính pháp Như Lai Tạng mà Phật pháp Tam thừa nương dựa tính mạng như chuông treo chỉ mành, dẫn đến rất nhiều người tu hành hiện nay hoài nghi không tin vào pháp Như Lai Tạng và không dám tu học nữa. Đó đều là kết quả do Ấn Thuận mấy chục năm nay viết sách phủ định pháp Như Lai Tạng một cách có hệ thống gây ra. Pháp sư Ấn Thuận cũng còn không tin những chuyện về địa ngục mà Thế Tôn đã giảng trong chư kinh A Hàm, càng không tin các chuyện địa ngục nói trong kinh Tam thừa, vì thế mà viết thẳng trong sách để tuyên truyền lệch lạc. Những ngôn thuyết trong sách của ông ta đã khiến cho nhiều học sinh các viện Phật học ở Trung Quốc đại lục ngày nay không còn tin vào nhân quả, không tin có địa ngục, sau khi tan học đã ăn thịt, uống rượu, thậm chí là chơi gái…có cả một số người xuất gia cũng làm như vậy. Họ nói thế này: “Các sư phụ thày giáo dạy Phật pháp cho chúng tôi ở viện Phật học, khi lên lớp thuyết pháp đều nói không có địa ngục, không có thế giới Cực Lạc, cũng không có chuyện Phật Thích Ca còn đang thuyết pháp ở thiên giới. Giáo trình mà các sư phụ, thày giáo dạy đều lấy “Diệu Vân Tập”, “Hoa Vũ Tập” làm căn cứ, mà những cuốn sách này đều do đại pháp sư Ấn Thuận đạo sư dựa theo kinh Phật viết ra, cho nên căn bản là không có nhân quả báo ứng, căn bản không có địa ngục để chịu quả báo đời sau. Các anh trì giới khổ sở thế này, không ăn uống vui chơi, sống uổng phí một đời, đúng là ngu si”. Những học sinh tốt nghiệp viện Phật học sau này đa phần xuất gia làm tăng mà lại dính tà kiến sâu nặng thế này, khiến cho người ta không khỏi lo lắng về Phật giáo ở đại lục trong tương lai. Những hiện tượng này xảy ra đều là dính bả của các cuốn “Diệu Vân Tập”, “Hoa Vũ Tập” mà Ấn Thuận dựa vào tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành viết ra. Phật giáo ở đại lục thời nay đều vì nhiễm tà kiến của Ấn Thuận mà xuất hiện hậu quả nghiêm trọng như vậy, các đại đức trưởng lão giới Phật giáo Đài Loan lo lắng cho vận mệnh của Phật giáo trong tương lai sao đến lúc này vẫn còn cố ý nhìn mà không thấy, rúc đầu vào cát?[2] Ngồi đó mặc cho tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành và “Diệu Vân Tập”, “Hoa Vũ Tập” của Ấn Thuận tiếp tục đầu độc học sinh viện Phật học – những người dẫn dắt Phật giáo trong tương lai? Sao lại trở thành những người tê liệt bất nhân như vậy? Bình Thực tôi tại đây kêu gọi các đại đức, trưởng lão các nơi hãy nhanh chóng hết sức nhìn thẳng vào sự nghiêm trọng của vấn đề, nhanh chóng tìm cách cứu vãn chính pháp của Phật giáo, nếu không sau khi xả báo, còn mặt mũi nào để gặp Thế Tôn tiếp dẫn? Chính vào lúc này, giáo sư Giang Xán Đằng nên đi đại lục nghiên cứu, tìm hiểu “ảnh hưởng tệ hại của các trước tác của Ấn Thuận đối với giới Phật giáo đại lục”, như thế mới là làm đúng lương tâm và bổn phận của “người nghiên cứu học thuật Phật giáo”, mới không trái với phong cách dám tranh dám can của văn nhân Trung Quốc, chứ không nên như con đà điểu rúc đầu vào trong cát, tránh né sự thực, một mực tô điểm, giảo biện cho các tà kiến của Ấn Thuận, giúp cho tà kiến trước tác của ông ta tiếp tục đầu độc tâm linh người học ở các viện Phật học Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, ông Giang Xán Đằng nếu muốn làm được điều đó thì trước hết nhất định phải cầu chứng Chân Thực nghĩa của pháp Đại thừa. Mà người muốn cầu chứng Chân Thực nghĩa của pháp Đại thừa thì trước hết bắt buộc phải chứng ngộ Thức thứ tám, xác nhận sự tồn tại chân thực của nó, đích thân trải nghiệm thể tính chân thực bất hư của nó, và nghiệm chứng vô số chủng tử mà nó tàng chứa, thì mới có thể thực sự nhận biết được sự thắng diệu của Nhất thiết chủng trí nói trong kinh Đại thừa, thì mới có thể chứng thực được sự di hại sâu xa của các loại tạp độc trong sách của Ấn Thuận, thì mới có đủ năng lực “quan sát và nghiên cứu sự thực Phật giáo đại lục bị sách của Ấn Thuận gây hại” thế nào. Bởi lẽ người muốn quan sát chân thực mà không bị rơi vào hình ảnh giả bề ngoài, thì buộc phải có Đạo chủng trí, vì người không có Đạo chủng trí thì không thể nào hiểu hết hoàn toàn được sự độc hại nằm trong các cuốn sách của Ấn Thuận. Ông Giang Xán Đằng nếu có trí tuệ, trước hết hãy khử trừ thói quen xấu khinh nhau của giới văn nhân, bình tĩnh dùng lý trí mà sự thực cầu thị, tìm hiểu nghiên cứu vấn đề. Nếu không, sau này sẽ khó tránh bị người chứng ngộ dựa vào chính các bài viết của ông mà phá tan nó, tống tiễn danh tiếng một đời. Tống tiễn danh tiếng một đời thực ra là chuyện nhỏ, sau khi xả báo phải chịu quả báo thuần khổ cực nặng trong vô lượng kiếp đời sau mới là chuyện lớn. Vì sao vậy? Vì địa ngục là có thực, báo ứng nhân quả là có thực, chứ không phải vì ông Giang tin hay không tin mà nó theo đó có tồn tại hay không. Chúng sinh tin có hay không có địa ngục, đều không thể khiến địa ngục vì thế mà có hay không, đều không thể khiến nhân quả báo ứng vì thế mà có hay không. Chúng sẽ vẫn tồn tại và khiến cho chúng sinh tạo nghiệp ác sau khi xả thọ phải vào địa ngục chịu quả báo, không vì chuyện chúng sinh “không tin nó tồn tại” thì nó tự động biến mất. Bởi tôi đã từng nhìn thấy bản thân mình đời xưa khi mới học Phật đã phải chịu đựng quả báo thảm thiết vì tạo khẩu nghiệp ác. Nếu ông Giang Xán Đằng có trí tuệ, hãy nên bình tĩnh suy xét, chứ đừng như Ấn Thuận viết trong sách, không tin có Thức thứ tám có thể tự động ghi chép tất cả mọi nghiệp hành ở đời này, không tin có địa ngục, không tin có nhân quả - thà gìn giữ hư danh ở đời này mà chấp nhận khổ báo cực nặng trong trường kiếp đời sau. Các thày Trung Quán phái Ứng Thành, nếu là những người nhiệt tình phá ngoại đạo pháp thì thật đáng tán thán, nhưng nếu là người phá hủy các pháp Duy Thức thì lại có tội lớn, vì đã hiểu sai nghiêm trọng ý chỉ của Chủng trí Duy Thức, từ đó bình loạn và phá hoại Phật pháp. Như “Bồ Tát” Tịch Thiên của Mật tông thời Thiên Trúc xưa đã biệt phá Duy Thức tông, nói rằng “phá Tự chứng phần”: “Thế gian chủ cũng nói: Tâm không tự thấy tâm. Ý như dao kiếm sắc, không thể tự cắt mình…Nếu nói Thức hiểu biết, là nói đèn tự sáng. Tự tâm vốn tự sáng, Thức nào biết mà nói? Nếu ai cũng không thấy, thì sáng hoặc không sáng, cũng như thạch nữ đẹp[3], nói thế cũng vô nghĩa”. (3-2-322~326) Những lời như thế, chỉ là tri kiến của phàm phu nhìn lén, mà dám bình luận tăng thượng huệ học của Chủng trí Duy Thức. Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì câu “Tâm không tự thấy tâm” nói trong Chủng trí Duy Thức là nói về Tâm Thức thứ tám A Lại Da, chứ không phải là nói Tâm ý thức giác tri. A Lại Da thức luôn lìa tâm hành kiến văn giác tri trong vạn pháp lục trần ở Tam giới, mãi mãi không phản quan Thức thứ tám chính mình, cho nên nó không có “Chứng tự chứng phần” trong vạn pháp lục trần. Phật nói câu “Vô chứng tự chứng phần – Tâm bất tự kiến Tâm” là chỉ Tâm Thức thứ tám, chứ không phải là Tâm ý thức giác tri mà các thày Trung Quán phái Ứng Thành nói đến, không phải là Tâm ý thức nhỏ bé (tế tâm) của Ấn Thuận. Các thày Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông trước là hiểu sai về chính pháp Chủng trí Duy Thức, sau là đổ sai cho chính pháp Duy Thức tông, thật đúng là những kẻ ngu si. Pháp sư Ấn Thuận không biết, không hiểu đại sai lầm của Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông, nên mới thốt ra những lời tán thán không đúng sự thật, lại còn chủ động kế thừa tà kiến của Mật tông (Xem phần Tựa cuốn “Trung Quán kim luận”) và ra sức hoằng dương nó, thật không phải là kẻ có trí tuệ. Trong Tam chuyển pháp luân, Phật vẫn luôn nói Thức thứ tám không có cái “Chứng tự chứng phần” này, mà nói Ý thức mới có “Chứng tự chứng phần”, chỗ nào cũng nói Tâm ý thức có thể phản quan chính mình, có thể kiểm tra các pháp, chỗ nào cũng nói Tâm ý thức giác tri có Tâm sở pháp biệt cảnh. Như vậy, các thày Trung Quán phái Ứng Thành như Ấn Thuận, Đạt Lai Lạt Ma thời nay, A Để Hạp, Tịch Thiên, Nguyệt Xứng thời xưa, do không biết, không chứng được Tâm Thức thứ tám, cho nên đã dứt khoát phủ định nó, nói rằng không có cái Tâm này, lại còn dẫn dụng thể tính của Tâm Thức thứ tám mà Phật thuyết lồng ghép vào Tâm giác tri thức thứ sáu, vọng ngôn rằng Phật nói Tâm giác tri không có “Chứng tự chứng phần”, hoàn toàn sai khác so với những gì Phật Đà từng tuyên thuyết. Họ đã hiểu sai về chính nghĩa Chủng trí Duy Thức như vậy, lại còn trách mắng thuyết pháp “Ý thức có Chứng tự chứng phần” của Duy Thức tông là trái với lời Phật, là nói bất liễu nghĩa, rồi vu rằng chư kinh Tam chuyển pháp luân mà Phật khai thị đều là nói bất liễu nghĩa, thật đúng là loại tông phái ngu si điên đảo, cả vú lấp miệng em. Ở đây nói Ý thức có “biệt cảnh Tâm sở hữu pháp”, thì chắc chắn nó có thể tự phản quan xem mình liệu có đang ở trong cảnh giới Lục trần hay không, tất có thể tự phản quan xem mình ở trong Lục trần cảnh là khổ hay vui, có thể tự phản quan xem có đang ở trong khổ thụ lạc thụ của cảnh giới hay không. Điều này Phật không chỉ nói trong chư kinh Duy Thức mà trong kinh A Hàm, Phật cũng nói như vậy, cho nên không thể vu oan rằng trong kinh A Hàm chưa từng nói được. Chỉ khi Tâm ý thức giác tri đoạn diệt (như trong Ngũ vị: ngủ say không mơ, hôn mê, chính tử vị…) thì mới không có “Chứng tự chứng phần”, vì khi đoạn diệt thì bản thân Ý thức không còn tồn tại nữa. Khi Ý thức lại hiện hành, thì nhất định lại có công năng “Chứng tự chứng phần”, lại có ngũ “biệt cảnh Tâm sở hữu pháp” hiện khởi, vì thế Tâm ý thức giác tri nhất định lại có “Chứng tự chứng phần”, tất cả mọi người đều có thể hiện tiền chứng nghiệm điều này. Trong các luận điển của Duy Thức tông đều nói như vậy, đều bảo rằng Ý thức có “Chứng tự chứng phần”, chứ chưa từng nói rằng Thức thứ tám có Chứng tự chứng phần, vậy thì tại sao các thày Trung Quán phái Ứng Thành từ xưa đến nay, sau khi đã hiểu sai về tông nghĩa Duy Thức tông rồi lại vu oan rằng pháp nghĩa Duy Thức tông là sai lầm? Tại sao các thày Trung Quán phái Ứng Thành kia lại có thể giương mắt nói mò thế được? Sao có thể xuyên tạc Duy Thức tông mà vu oan như vậy được?
(Tiết này chưa hết, sẽ tiếp tục trong Tập 2. Tất cả có 4 tập, hoàn thành bản thảo ngày 5/1/2002, 3h30 ngày 9/2/2002 duyệt chỉnh hoàn tất).
[1] Chú thích của người dịch: Nguyên văn là Đạo sư Bình Thực dùng từ “châm biếm”, trong đó “Châm針” là dùng kim sắt chọc vào huyệt đạo trong “châm cứu”, “Biếm砭” là kim đá nhọn dài, cách dùng tương tự như “châm cứu” trong y học, ý là nói “châm chọc cho đau buốt nhằm chữa bệnh”, nhưng trong tiếng Việt, từ “châm biếm” thường mang nghĩa là “chế giễu” nên khó diễn tả hết được ý nghĩa gốc của từ này. [2] Chú thích của người dịch: “Rúc đầu vào cát” là hành vi của con đà điểu mỗi khi gặp nguy hiểm, chúng cho rằng làm như thế không còn nhìn thấy nguy hiểm là sẽ được an toàn. [3] Chú thích của người dịch: “Thạch nữ” chỉ người con gái bộ phận sinh dục bị khiếm khuyết, không thể sinh đẻ.
Lượt xem trang: 31473 |
Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |