Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |
Tiết 6: Mật tông hiểu lầm về đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề |
Tiết 6: Mật tông hiểu lầm về đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề Các thày Mật tông xưa nay đều không hiểu được đạo Phật Bồ Đề và đạo Giải Thoát, cho nên hoàn toàn không hiểu gì về sự khác biệt trong tu chứng giữa A La Hán và Phật: “Tông Khách Ba cũng cho rằng, sự khác biệt giữa Phật Đà và A La Hán là ở chỗ: Công đức mà Phật Đà tích lũy được nhiều hơn A La Hán; đồng thời cũng cho rằng trí tuệ Không tính mà A La Hán giác ngộ được không đủ cao. Về phương diện giác ngộ Không tính, ông ta cho rằng Tiểu thừa và Đại thừa đều như nhau”. (37-167) Qua đoạn khai thị này, có thể thấy rằng các thày Mật tông hoàn toàn không hiểu, cũng không chứng biết được gì về đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề. Công đức mà Phật Đà tích lũy được đương nhiên gấp vô lượng số lần A La Hán, thậm chí nhiều đến mức không thể biết. Thế nhưng, Phật sở dĩ khác với A La Hán, tuy là có sự khác biệt thực chất về đạo Giải Thoát (vì chủng tử tập khí đã đoạn hay chưa đoạn mà khác biệt), nhưng khác biệt lớn nhất là ở chỗ có tu chứng được hay không trong đạo Phật Bồ Đề. Cái lý đó, các thày Mật tông từ xưa đến nay đều không biết cũng không hiểu (bao gồm cả các thày Trung Quán phái Ứng Thành như pháp sư Ấn Thuận), vậy mà vọng ngôn nói rằng có thể truyền thụ đạo Giải Thoát và “đạo thành Phật” cho người khác, đó đều là những lời lẽ vọng ngôn, khoác lác cả. Mật tông với vọng tưởng thô thiển như vậy mà nói đạo của mình còn thắng diệu hơn cả Hiển giáo, chẳng khác gì học sinh tiểu học nói khoác rằng trình độ văn học của nó còn cao siêu hơn cả giáo sư khoa Quốc văn ở Đại học. Các thày Mật tông như thế, thật không biết phải bình luận thế nào, vì trình độ tri kiến về Phật pháp của họ còn quá thấp kém. Về những điểm khác biệt giữa Phật và A La Hán, thứ nhất là sự khác biệt trong tu chứng đạo Giải Thoát. A La Hán chỉ đoạn được sự hiện hành của Phiền não chướng (Ngã kiến và Ngã chấp), chứ không đoạn trừ được chủng tử tập khí của Phiền não chướng tàng chứa trong Thức thứ tám. Phật thì bắt đầu từ Sơ địa ở giai đoạn hai đại a tăng kỳ kiếp trước khi thành Phật đã dần dần đoạn trừ hết tất cả chủng tử tập khí của Phiền não chướng tàng chứa trong Thức thứ tám, cho đến khi thành Phật thì các chủng tử tập khí vô cùng nhỏ vô cùng nhỏ cũng đều đoạn trừ sạch tận, không còn lưu lại chút ít tơ hào nào, vì thế Phật không có một chút xíu tập khí nào. Còn A La Hán thì vẫn còn tập khí, chưa hề đoạn diệt được chút nào. Vì thế mà quả Giải thoát của hai bên kỳ thực khác biệt rất lớn. Điểm khác biệt giữa Phật và A La Hán, thứ hai là sự khác biệt trong tu chứng đạo Phật Bồ Đề. Trước khi bắt đầu ba đại a tăng kỳ kiếp, Phật đã tu xong Thập tín đầy đủ, khi mới nhập vào quả vị Bồ Tát thì quảng tu Lục độ vạn hành ngoại môn, dần dần tiến đến Lục trụ vị, nhờ gặp được Thiện tri thức khai thị mà chứng được Tâm Thức thứ tám, sinh khởi trí tuệ Bát Nhã mà nhập vào Thất trụ vị, trở thành Bồ Tát vị bất thoái. Rồi lại tu học các kinh hệ Bát Nhã, chứng được Biệt tướng trí của Bát Nhã. Lại nhãn kiến Phật tính trong Thập trụ vị. Tiếp đến lại tu trừ phàm phu tính Dị sinh mà phát khởi Kim Cương tâm, đứng trong đại thế lực của tất thảy nhân thiên đều không sợ hãi, cho nên xuất thế phá tà hiển chính. Lại dùng công đức này để tiến tu Nhất thiết chủng trí, tiến dần vào Sơ địa, thành tựu Vô sinh pháp nhẫn ở Sơ địa mà đắc Đạo chủng trí ở Sơ địa. Lại nhờ có Đạo chủng trí ở Sơ địa mà tiến tu Vô sinh pháp nhẫn ở chư địa theo thứ tự trong hai đại a tăng kỳ kiếp, phát khởi Nhất thiết chủng tử trong Thức thứ tám cần phải chứng ở các địa, dần dần chứng đủ Nhất thiết chủng trí, viên mãn Thập độ Ba La Mật Đa. Lại tiếp tục tu tướng hảo trong 100 kiếp. Trong 100 kiếp đó, có thể xả bỏ thân, xả bỏ mệnh, xả bỏ tài bất cứ lúc nào ở tất cả mọi nơi. Quảng tu phúc đức như thế, mới đoạn trừ nốt Sở tri chướng tùy miên cực vi tế còn lưu lại trong quả vị Bồ Tát thân cuối cùng, mà thành Phật quả cứu cánh. Việc phá hủy và đoạn tận Sở tri chướng, tu chứng trí tuệ Nhất thiết chủng trí như thế là điều mà các A La Hán Thanh Văn đều không thể làm nổi. Thậm chí ngay cả Tổng tướng trí Bát Nhã sinh ra nhờ chứng được Thức thứ tám của Bồ Tát thất trụ vị, các A La Hán Thanh Văn cũng còn không thể chứng biết, thì sao có thể nói các A La Hán đã từng giác ngộ được chính lý Không tính giải thích trong Bát Nhã Đại thừa? Tuyệt đối không thể có cái lý đó! Nay nói về quả Bồ Đề Nhị thừa của A La Hán Thanh Văn, chỉ là chứng ngộ được Không tướng – hiện tiền quan sát hiểu rõ được tất thảy các pháp của Uẩn Xứ Giới đều vô thường không, hiện tiền quan sát hiểu rõ “Tâm giác tri vô thường không, Tâm tư lượng Ý căn không phải là Tâm tự tại nên cũng là không”, vì thế mà chứng được Nhân Ngã Không. Chứ không phải như Mật tông kiên định chấp bám vào cái sự không vô hình sắc của “Tâm giác tri và sự cảm thụ dâm lạc” mà nói rằng đó là Không tính. Cho nên, A La Hán Thanh Văn không biết không chứng được Không tính nói trong Bát Nhã, còn tất cả các thượng sư kim cổ của Mật tông thì cũng không biết không chứng được chính lý của Không tướng Bát Nhã, cũng không biết gì về Nhị thừa Bồ Đề mà các A La Hán Thanh Văn đã chứng được – chính lý về Không tướng Uẩn Xứ Giới, cho nên mới có những vọng thuyết như vậy. Các thày Mật tông sở dĩ hoàn toàn không biết không hiểu gì về sự khác biệt giữa A La Hán và Phật, mấu chốt nằm ở chỗ họ hoàn toàn không biết gì về chính lý Không tính mà Phật nói trong các kinh Bát Nhã, lại do hoàn toàn không hiểu gì về Nhị thừa Bồ Đề gây ra. Các thày Mật tông ai nấy đều coi Tất thảy pháp Không là Không tính của Bát Nhã, mà không biết cái Không tính Bát Nhã mà Phật nói đó là Thức thứ tám Thực Tướng Tâm, nên mới đem nhận thức sắc thân vô thường không ra cho rằng như thế là đã chứng giải được Không tính Bát Nhã. Nhưng họ không biết rằng trong các kinh A Hàm, chỗ nào Phật cũng bác bỏ Tâm giác tri, nói đó là pháp hư vọng; còn Mật tông lại chấp thủ vào trạng thái lúc nhất niệm bất sinh của Tâm giác tri, nhận lầm là Thực Tướng Tâm Chân Như, chính là đang rơi vào trong Ngã kiến mà không tự biết. Mật tông không thể chứng đắc đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề như thế mà lại ngang nhiên hạ thấp Phật giáo, lại rêu rao rằng tu chứng của họ còn thắng diệu hơn cả Hiển giáo, điên đảo đến mức độ như thế đó! Hiện tượng hiểu sai về Không tính Bát Nhã và đạo Giải Thoát như thế, trong các trước tác của Tông Khách Ba chỗ nào cũng có thể tìm thấy. Mà đâu chỉ có một mình Tông Khách Ba? Trong các trước tác của tông đồ Hoàng giáo, đâu đâu cũng có. Mà cũng đâu chỉ có tông đồ Hoàng giáo? Trong các trước tác của tất cả các thày của tứ đại tông phái khác từ xưa đến nay đâu đâu cũng thấy hiện tượng này, nhiều không kể xiết. Người học chỉ cần lưu ý một chút là có thể tìm thấy, đều có thể đích thân chứng thực điều này, không cần phải nêu ra từng cái một để tránh ngán phiền tận cổ. Nếu như có người nào không tin, thì hãy đọc lời khai thị của đại tu hành giả Thượng sư Trần Kiện Dân của Mật tông: “Đại Uy Đức Kim Cương là Bản tôn quan trọng của Hoàng giáo…, chứng phần triết lý trong “Chứng Phần Luận” của Đại Uy Đức là ở chỗ “Căn” trong ba pháp Căn, Đạo, Quả… Duy chỉ có triết lý cơ bản của nó, về tổng thể là giống với Không tính của Tiểu, Đại thừa, sự khác biệt của nó chỉ ở chỗ phương tiện, vì sợ có tính võ đoán nên đều chép chi tiết ở chương này”. (34-116) Thượng sư Trần Kiện Dân phê bình Hoàng giáo như thế, còn cái sai của Hồng Bạch Hoa giáo cũng giống như vậy cả, đều cho rằng giống với “Không tính” mà các thánh giả Đại Tiểu thừa chứng được, cho nên chỉ có thể tiến hành luận đoán xem liệu có đủ phương tiện thiện xảo hay không, hoặc chứng lượng cao thấp liệu có khác nhau hay không. Thế nhưng, điểm khác biệt về nội hàm của đạo Giải Thoát giữa Phật và A La Hán nằm ở chỗ nào thì họ đều không hay biết. Họ cũng không từng hiểu biết gì về sự thực các A La Hán không hồi tâm của Tiểu thừa “chưa từng chứng được Thức thứ tám, cho nên hoàn toàn không biết gì về Phật Bồ Đề”. Như vậy, Mật tông đều không chứng cũng không biết gì về cả hai đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, mà lại đem thường kiến ngoại đạo và pháp môn tà giáo phái Tính Lực bên ngoại đạo du nhập vào trong Phật giáo, tự suy tôn còn thắng diệu hơn cả hai đạo chủ yếu mà Phật Thích Ca đã truyền dạy, đem tà kiến của phàm phu ngoại đạo ra tự xưng là có thể khiến người ta tức thân thành Phật, còn cao hơn cả Hiển giáo, đảo lộn gốc ngọn đến như vậy, thật chẳng biết phải nói thế nào nữa. Các thày Mật tông đều không hiểu biết gì về ý nghĩa của Bát Nhã, nhưng lại cuồng vọng tự ý giải thích tông chỉ của Bát Nhã. Cho nên có thượng sư Mật tông cho rằng đả tọa nhập vào cảnh giới trời xanh tĩnh lặng không mây tức là đã đoạn được Ngã kiến và Ngã chấp: “Từ kinh nghiệm giải thích “trời xanh không mây” của tôi, thì thấy nó không phải như những gì thuật trong các sách thông thường: Không chỉ trên đầu có bầu trời xanh không mây mà thôi, còn có một cái “Tôi – Ngã” đang nhìn thấy bầu trời xanh không mây này. Vẫn là không có cái gì cả, toàn bộ bốn phương xung quanh, đâu đâu cũng chỉ là trời xanh không mây. Không chỉ là trong tâm không có Ngã chấp, ngay cả cơ thể cũng không còn nữa. Những điều này đều được xác định qua kinh nghiệm, không phải như người viết sách truyền nhau nghe hoặc sao chép đâu. Nhưng kinh nghiệm này không dễ gì kéo dài liên tục mãi, đó là vì không thể định trụ thường xuyên, sức ngưng kết không mạnh. Nếu như có thể định trụ như vậy thường xuyên, thì đã chứng được Pháp thân Phật rồi. Cho nên, đây là cái then chốt tổng của việc tu trì. Giả sử các anh có thể buông bỏ tất cả, chuyên tu pháp này, nhất định sẽ không đi lạc đường. Bởi vì đây là một phương thức nhanh tắt đáng tin cậy nhất. Minh thể của Đại thủ ấn chính là nó; Đại viên mãn, Kiến địa của Thiền tông cũng đều là nó. Cái gọi là Thủ Lăng Nghiêm định, Pháp Hoa Tam Muội, Hoa Nghiêm huyền môn cũng đều là nó…Cái gọi là công đức thần thông cũng từ đây mà ra, cho dù hiện tại không hiển hiện, thì tương lai vẫn sẽ có. Cái gọi là Huyền môn cũng đều từ đây ra, bởi vì có Không mới có Huyền. Nếu anh có thể lấy pháp giới làm Thể, thì sẽ không có tư tâm, mọi thứ đều là lợi tha, anh sẽ không hại người. Có Không mới có thể lợi tha, có Không là Vô ngã, bất Không thì sao có thể Vô ngã? Vô ngã, tất cả đều là Không, cả hai kỳ thực là hai mặt của một vấn đề. Người giảng về “Không” trước kia không hiểu để giảng về “Vô ngã”, cho rằng hai cái không liên quan. Kỳ thực, đây là một thứ. Anh hiểu được pháp giới rộng lớn, thì sẽ không chấp bám vào cái Ngã riêng nhỏ bé. Anh hiểu rõ ba đời, quá khứ, hiện tại, tương lai, vô tận, thì sẽ không chỉ nghĩ đến một thời, một điểm. Con người nếu cắt đoạn cái nhất thời (chia nhỏ thời gian) để suy nghĩ sự tình, thì sẽ có đau khổ. Nếu có thể kéo dài hoặc rút ngắn nó, thì sẽ không đau khổ nữa. Cho nên hai câu đầu đã quyết định cái này: “Thập phương quảng đại vô biên, tam thế thông lưu bất tận”. Nhất định phải làm được cái này trước: Anh có thể giả tưởng trong tâm có một điểm, từ đó có một sợi dây nằm vắt ngang, để nó trải dài sang hai bên trái phải đến vô biên, mười phương rộng lớn vô biên, trong đó không có bất cứ cái gì. Tam thế lưu thông bất tận: Trong rất nhiều, rất nhiều đời quá khứ, không nhìn thấy tử tướng (tướng trạng của cái chết) của thời gian là gì; trong rất nhiều, rất nhiều đời tương lai cũng không nhìn thấy sinh tướng mới là cái gì. Phần trên dưới của sợi dây này cũng là vô cùng vô tận, vô thủy vô chung. Giả sử anh là một nhà hình học, anh có thể vẽ lên trên cái giá thập tự này một hình cầu, cái hình cầu này chính là pháp giới của anh. Giả tưởng cái pháp giới này, độ rộng lớn của nó là vô tận, khiến cho người ta cảm thấy sung sướng, sảng khoái biết bao… “Chân Như diệu tâm, Tâm đó là Phật, là Tâm là Phật” viết trong kinh thư, cái chữ Tâm trong đó, không được nhìn nó như là cái Tâm bình thường. Pháp giới mà chúng ta nói vốn định bên trong, là dùng pháp giới thay thế cho Tâm. Pháp là tất thảy Pháp; Tâm, Vật đều nằm trong đó…“Thập phương quảng đại vô biên, tam thế thông lưu bất tận”, cái này là cơ bản, tựa như là rường cột của pháp giới. Pháp giới là vô lượng, Vũ (không gian) Trụ (thời gian) thì không có trung tâm. Cũng có thể nói, mỗi điểm đều là trung tâm. Khi chúng ta quan sát, tạm coi Tâm của mình là trung tâm, tu (sửa) và thu lại đều là ở chỗ này. Nhưng đây chỉ là một phương tiện thiện xảo, không được quên rằng cái mà chúng ta tu chính là một cái pháp giới đại định “Vô ngã”, phải quên mình sạch sẽ, không phải là mình đang tu định, mà là pháp giới tự nó hiển hiện pháp giới đại định ra. Cho nên “ta quên mình” là cảnh giới thực sự tồn tại”. (34-924~931) Bốn phương trên dưới đều là cảnh giới trời xanh không mây, cũng chỉ là Tâm ý thức Tâm giác tri – vì là cảnh giới do Ý thức quán tưởng trú vào đó. Người trú ở trong cảnh giới đó, tự xưng là không có bất kỳ cảnh giới nào, tự xưng không có “Tôi – Ngã” trụ ở trong cảnh giới đó, kỳ thực vẫn là “cái Tôi” của Tâm giác tri “trú” ở trong cảnh giới trời xanh không mây, vì vẫn còn có “Tôi” có thể “biết” được bản thân mình đang “an trú” ở trong cảnh giới này. Đã có cái Tôi có thể biết được cảnh giới này, cũng có cái cảnh giới để trú, cũng tồn tại cái Tôi trú ở cảnh giới này, thì sao có thể nói là Vô ngã? Tuy rằng cái Tâm giác tri trú ở trong cảnh giới này không mở mắt nhìn (không hiện khởi sự quan sát bằng mắt), nhưng vẫn còn tồn tại cái Tâm có tri có giác đang cảm nhận cảnh giới này. Có sự tồn tại của cái Tâm cảm nhận được “trời xanh không mây”, thì sao có thể nói là Vô ngã? Thật là vô lý! Sự an trú trong cảnh giới như vậy, kỳ thực không lìa khỏi Ngã kiến, bởi cái (pháp) có thể biết, có thể trú chính là Thức uẩn trong Ngũ uẩn, tức là Tâm ý thức trong Thập bát giới. Vô ngã kiến thực sự, không phải là nhập vào cảnh giới vô tri vô giác mà bảo đó là Vô ngã, mà là khi Tâm giác tri hiện hành (hiện khởi và vận hành), dùng Tâm giác tri hiện tiền quan sát chính bản thân Tâm giác tri là hư vọng, vì thế mà đoạn trừ cái quan niệm “Tâm giác tri Ngã thường trụ bất hoại”, đó chính là đoạn Ngã kiến. Quán hành như thế, trong Tứ A Hàm chỗ nào cũng thấy Phật tuyên thuyết như vậy. Tất cả những người Sơ quả trong pháp Thanh Văn đều hiện quan trong tứ uy nghi, đích thân phát hiện bản thân Tâm giác tri là hư vọng, đoạn trừ cái Ngã kiến “Tâm giác tri Ngã thường trụ bất hoại” trong Dục giới, trải qua sự quán hành như thế mà trở thành người Sơ quả Thanh Văn, trở thành người Tu Đà Hoàn dự nhập hàng thánh. Các A La Hán trong pháp Thanh Văn chứng được công đức đoạn Ngã chấp thì dựa trên cơ sở đoạn Ngã kiến của Dục giới này, lại tiếp tục các loại quán hành, lần lượt đoạn trừ Ngã kiến của Sắc giới và Ngã kiến của Vô sắc giới, vì thế mà đoạn tận Ngã chấp, trở thành người Tứ quả, gọi là Nhân Thiên Ứng Cúng, gọi là Sát Tặc, vì đã giết hết được Tâm tặc Ngã kiến và Ngã chấp trong Tam giới. Thế nhưng, khi những người Sơ quả cho đến Tứ quả này đoạn Ngã kiến và Ngã chấp, họ đều không hề nhập vào cảnh giới “trời xanh không mây” để an trú trong đó, cũng không nhập vào cảnh giới “vị đáo địa định quá ám” vô tri vô giác để an trú trong đó, không trở ngại gì đến việc chứng được Vô ngã kiến và đoạn trừ Ngã chấp trong sự huyên náo đời thường. Các Bồ Tát cũng như vậy, không nhập và an trú trong cảnh giới vô tri vô giác, cũng không nhập và an trú trong cảnh giới “trời xanh không mây”, mà là tìm kiếm Tâm Thức thứ tám vĩnh viễn lìa kiến văn giác tri trong tất cả mọi cảnh duyên huyên náo đời thường. Sau khi tìm được, hiện tiền quan sát và chứng thực được cái Thể của Thức thứ tám xưa nay chưa từng sinh ra, cho nên cũng mãi mãi bất diệt; lại hiện tiền quan sát chứng thực cái Thể của Thức thứ tám này chưa từng khởi một niệm hay ngôn ngữ, tư tưởng nào, chưa từng ngủ hay mơ mộng, chưa từng niệm tất thảy các pháp, chưa từng trú ở trong định cảnh, chưa từng khởi niệm tham sân, vui vẻ chán ghét, chưa từng khởi tâm hành thanh tịnh hay cấu bẩn. Thức thứ tám trụ ở cảnh giới Tự tâm như vậy mới là Pháp giới đại định, chứ không phải như Mật tông nói “trời xanh không mây” như thế là Pháp giới đại định đâu. Thức thứ tám Như Lai Tạng xưa nay đã lìa tất cả mọi cảnh giới như vậy, nhưng lại có thể tùy duyên ứng vật trong thân chúng sinh khắp Tam giới, linh minh giám chiếu, không mảy may sai lệch. Thậm chí khi chúng sinh ngủ say, hôn mê, chết đi thì nó vẫn vận hành không ngừng như vậy, chúng sinh không thể lìa khỏi nó một khắc một giây, nhưng lại đều không thể chứng biết nó. Các Bồ Tát lại từ tâm tính của cái TÂM này, tiến hành hiện quan Tâm kiến văn giác tri và Tâm tư lượng lúc ngủ say, thấy chúng đều sinh ra từ cái TÂM này. Sau khi hiện tiền quan sát và chứng thực, thì chứng biết Tâm giác tri đích thực là tâm y tha khởi tính, không thể tự tại, không thể lìa khỏi Thức thứ tám một phút một giây để tồn tại một mình. Nhờ có sự hiện quan và chứng thực như vậy, bèn đoạn trừ tri kiến cho rằng “Tâm giác tri Ngã thường trụ bất hoại”, rồi đoạn nốt tri kiến cho rằng “Tâm tư lượng Ngã có thể tự mình thường trụ bất hoại”, tức là người đoạn được Ngã kiến rồi. Vì duyên cớ này mà trí tuệ Bát Nhã liền sinh khởi. Tất cả các A La Hán không hồi tâm quay về với pháp Đại thừa, dù có đủ Thập trí của giải thoát Thanh Văn cũng không thể nào biết được chút ít gì về trí tuệ Bát Nhã mà các Bồ Tát thất trụ vị này chứng ngộ được. Các Bồ Tát dựa vào Kiến địa này, nếu có thể tiến tới đoạn Ngã chấp, thì đời này có thể thành tựu công đức giải thoát của A La Hán, nhưng lại có thêm trí tuệ Phật Bồ Đề mà các A La Hán không thể biết được. Bồ Tát chứng được Thức thứ tám lìa kiến văn giác tri như thế - tức Thực Tế của Niết Bàn vô dư, nhưng không hề tu định và trú ở “trời xanh không mây”, cũng không hề nhập định lìa kiến văn giác tri để nói mình đã chứng được “ly ngôn Chân Như”. Các Bồ Tát ở trong chốn không lìa tất thảy ngôn ngữ và cảnh giới Lục trần, không đoạn ngôn ngữ và cảnh giới Lục trần mà chứng được Tâm Thức thứ tám lìa ngôn ngữ và cảnh giới Lục trần: Tâm Thức thứ tám luôn luôn lìa ngôn ngữ, lìa cảnh giới đồng thời tồn tại với Tâm giác tri. Vì thế, sau khi ngộ, khi Tâm giác tri tương ứng với cảnh giới và ngôn ngữ, không ngại có thêm một Chân Như diệu tâm vốn dĩ lìa ngôn ngữ cảnh giới đồng thời vận hành song song. Có thể giác tri, giác chứng như thế mới là người chân ngộ Phật Bồ Đề, trí tuệ của người ấy ngay cả các Đại A La Hán không hồi tâm cũng không thể nào hiểu biết được. Thử quan sát Phật và chư Bồ Tát xem, sau khi ngộ đều là có Tâm giác tri và Thức thứ tám Căn bản tâm lìa giác tri cùng song song vận hành, chứ không phải vì nhập được vào trong cảnh giới “trời xanh không mây” mà nói ngộ, cũng không phải vì chưa nhập được vào trong cảnh giới “trời xanh không mây” mà nói chưa ngộ. Người tu học muốn cầu chứng ngộ Đại thừa, cần phải hiểu như vậy, cần phải tu như thế, cũng phải chứng như thế, càng phải tiệm tiến và Phật địa như thế. Lại nữa, hư không mười phương không phải là pháp giới. Hư không không có pháp nào cả, chỉ là bày đặt danh ngôn thuần túy: chỉ có tên mà không có pháp. Đó là do dựa vào chỗ biên tế không có bất kỳ vật nào của Sắc pháp mà đặt cho nó cái tên là Hư không. Tức là dựa vào việc không có vật nào mà đặt ra cái tên Hư không. Nên hiểu rõ rằng danh từ “Hư không” kỳ thực là dựa vào biên tế của Sắc pháp mà định danh – dựa vào Sắc pháp mà có – cho nên trong “Câu Xá Luận” nói Hư không gọi là “Sắc biên sắc”, chỉ là danh tướng mà không có thực pháp. Hư không không có pháp chỉ có tên gọi nghĩa là không có một pháp nào cả, thì sao có thể gọi là pháp giới được? Bắt buộc phải có cái “pháp” trong Tam giới được thánh phàm hữu tình đích thân cảm nhận, mà “pháp” này có sự khác biệt về công năng của nó, tức là các pháp khác không thể bằng nó, chỉ giới hạn ở trong sai biệt công năng của pháp này, cho nên gọi là “Giới”, như thế mới gọi là Pháp giới. Các thày Mật tông xưa nay đều giống như Thượng sư Trần Kiện Dân, hiểu sai về ý chỉ thực sự của Pháp giới, bèn đem Hư không mười phương vô pháp coi là Pháp giới, còn cho rằng Hư không mười phương chính là nguồn gốc sinh mệnh của tất thảy chúng sinh. Thượng sư Trần Kiện Dân còn bày đặt ra “Pháp giới đại định” như thế, dạy người tiến tu như vậy, kỳ thực chẳng liên quan gì đến Định, cũng chẳng liên quan gì đến Pháp giới, đều là vọng tưởng tự mình sinh ra, càng hoàn toàn không liên quan gì đến Phật Bồ Đề trí. “Thập phương Pháp giới” là chỉ hư không mười phương có vô lượng vô số quốc thổ. Trong vô lượng số quốc độ ấy, có vô lượng số chúng sinh hữu tình. Đã có vô lượng số chúng sinh hữu tình thì tất sẽ có vô lượng số pháp. Có vô lượng số pháp thì tất sẽ có vô lượng số pháp giới. Có vô lượng số pháp giới, thì nghĩa là có vô lượng số tứ sinh nhị thập ngũ hữu chúng sinh, tức là chắc chắn sẽ có rất nhiều thánh nhân Thánh Văn và tất thảy chúng sinh hữu tình như chư Phật Bồ Tát... Nói “Thập phương Pháp giới” là ý nói có vô số phàm thánh hữu tình của vô số quốc thổ trong hư không mười phương, chứ không thể nói hư không mười phương là pháp giới được. Qua đó có thể thấy cái pháp “hư không pháp giới” của thập phương mà Mật tông quán tưởng ra chỉ là hư vọng tưởng mà thôi, không liên quan gì đến Phật pháp cả. Giả sử khi quán tưởng thành công, thì vẫn không thể nào tương ứng được với đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, có tu cũng vô dụng. Cho nên, người nào muốn tu học Phật pháp, phải nhận rõ con đường chân lý của Phật pháp, phải hiểu rõ chân thực sự giống và khác nhau giữa đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề để sau đó mới có thể tu được. Không thể mù quáng tin theo tà thuyết, không thể hàm hồ nương dựa vào tà pháp của thiện tri thức giả danh, nếu không sẽ thành tu mù luyện mò, sau này chắc chắn sẽ tự nhầm và dẫn dắt nhầm người khác, hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
|
Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |