Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |
Tiết 7: “Đại Nhật Kinh” của Mật tông cũng hiểu sai về Không tính Bát Nhã |
Tiết 7: “Đại Nhật Kinh” của Mật tông cũng hiểu sai về Không tính Bát Nhã Kinh điển chính của Mật tông “Đại Nhật Kinh” có tên đầy đủ là “Đại Tỳ Lô Giá Na thành Phật thần biến gia trì kinh”. “Phật Đại Tỳ Lô Giá Na” trong kinh cũng hiểu sai về Không tính nói trong kinh Bát Nhã, giải thích “Không tướng Uẩn Xứ Giới” của tất thảy pháp Duyên khởi tính không là Không tính, những gì kinh đó nói đều không hề động chạm đến Thực Tướng Đệ Nhất Nghĩa Tâm. Ví dụ, “Phật Đại Tỳ Lô Giá Na” trong quyển thứ nhất nói: “Này Bí Mật Chủ! Tự tâm tìm cầu Bồ Đề và Nhất thiết trí. Vì sao vậy? Vì bản tính thanh tịnh. Tâm không ở bên trong, không ở bên ngoài, mà ở giữa hai thứ đó. Tâm không thể đắc…Tâm hư không tướng lìa các loại phân biệt, không có phân biệt. Vì sao nói vậy? Vì Tính đồng như hư không, tức đồng với Tâm. Tính đồng với Tâm, tức đồng với Bồ Đề. Đúng thế, này Bí Mật Chủ! Tâm, Hư không giới, Bồ Đề, cả ba đều không hai (tức không khác nhau mà cùng là một)…Này Bí Mật Chủ! Những thứ như chủng tính nam, chủng tính nữ, hoặc cảnh giới, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hay là Ngã, Ngã sở, năng chấp, sở chấp, thanh tịnh, giới, xứ cho đến trong tất thảy phân đoạn, cầu không thể được”. (“Đại Chính Tạng” quyển 18 trang 1 cột dưới) Trong “Kinh Lăng Nghiêm” tuy cũng nói như vậy, nhưng cái mà Lăng Nghiêm nói đến như thế là Tính của vọng tâm bảy thức đầu, đồng thời còn nói tính thấy, tính nghe …cho đến tính giác tri mà vọng tâm bảy thức đầu hiển hiện ra đều là công năng của vọng tâm bảy thức; còn nói Tâm bảy thức này và các công năng của nó đều không thể tồn tại bên ngoài các loại duyên và Thức thứ tám Như Lai Tạng. Vì dựa vào sự hằng thường của Như Lai Tạng mới khiến cho Tâm lục thức và công năng của các tính thấy, tính nghe…có thể đêm đêm bị đoạn diệt, sáng sớm lại tái sinh, cho nên mới nói các công năng này không đoạn, không thường. Nói thẳng ra là những công năng này không được đứng ngoài Như Lai Tạng mà nói chúng “thường”, vì đều phải dựa vào Như Lai Tạng mới có tính thấy, tính nghe… “do nhân duyên mà thành”. Nhưng “Phật Đại Tỳ Lô Giá Na của Mật tông” trong “Đại Nhật Kinh” thì lại hiểu sai về ý nghĩa của Lăng Nghiêm, cho nên đã coi Thể tính vọng tâm Lục thức nói trong Lăng Nghiêm là Tâm Chân Thực. Họ đặt Tâm hư vọng như thế đứng ngoài Tâm Như Lai Tạng, coi nhầm là Tâm Thực Tướng nói trong kinh Bát Nhã, khác xa với những gì Phật nói, không thể gọi là Phật pháp chân chính được. Điều này chứng tỏ “Đại Nhật Kinh” chỉ là do các thượng sư chưa ngộ thời xưa của Mật tông giả mạo danh nghĩa của Phật Đại Tỳ Lô Giá Na trong “Hoa Nghiêm Kinh” biên soạn tập thể, kết tập nhiều kỳ mà thành, tuyệt đối không phải là kinh điển do Phật Đại Tỳ Lô Giá Na nói ra. “Phật Đại Tỳ Lô Giá Na của Mật tông” nói trong “Đại Nhật Kinh” còn nói Tâm Chân Thực chính là A Lại Da thức, thế nhưng lại lấy Thể tính của Tâm Ý thức và Tâm Mạt Na làm Thể tính của A Lại Da thức, cho nên trong quyển 1 tuy nói Tâm có 59 loại tướng mạo song các Tâm tướng mà họ nói đó lại đều lấy tướng mạo của Tâm Ý thức và Tâm Mạt Na làm Tâm tướng của A Lại Da thức. Như vậy, sau khi coi Tâm hư vọng làm “Tâm Chân Thực xuất thế gian”, kinh đó còn nói rằng: “Này Bí Mật Chủ! Một hai ba bốn năm và hơn nữa, phàm một trăm sáu mươi tâm, vượt ba vọng chấp thế gian, (do) Tâm xuất thế gian sinh ra. Tức là phải hiểu thế này: Chỉ có cảnh giới Uẩn, vô ngã căn, đình trệ tu hành. Nhổ bật gốc nghiệp phiền não, chủng tử Vô minh, sinh thập nhị nhân duyên, lìa xa việc kiến lập tông…Sự tịch tĩnh như thế, tất thảy ngoại đạo đều không thể biết được. Các cổ Phật đều tuyên thuyết, lìa xa tất thảy mọi tội lỗi. Này Bí Mật Chủ! Tâm xuất thế gian đó, trú ở trong Uẩn, có trí tuệ như thế sinh theo. Nếu như phát khởi sự lìa chấp trước trong các Uẩn, nên quan sát sự tụ tập của đám bọt nước, thân cây chuối, dương diệm đầy huyễn ảo mà đắc giải thoát. Ý là nói Năng chấp, Sở chấp trong Uẩn Xứ Giới đều lìa Pháp tính. Chứng được cảnh giới tịch tĩnh như thế gọi là Tâm xuất thế gian”. (“Đại Chính Tạng” quyển 18, trang 3, cột trên giữa). Nói Tâm như thế, cũng giống như pháp sư Ấn Thuận và Đạt Lai Lạt Ma ngày nay nói về Tâm. Phàm tất cả những thứ đó đều là do hiểu sai về ý chỉ của Phật trong “kinh Bát Nhã”, “kinh Lăng Nghiêm”, nên mới dùng “Duyên khởi tính không đứng ngoài Như Lai Tạng” để giải thích về Tâm Thực Tướng, còn nói Tâm giác tri có thể trú trong cảnh giới tịch tĩnh này là Tâm Chân Tướng, là Tâm xuất thế gian, đều coi sự thanh tịnh của Ý thức không bám duyên chư pháp là Thức Chân Tướng xuất thế gian. Nếu như có người nào đó phủ định việc tôi giải thích ý nghĩa của đoạn kinh văn này, khẳng định rằng ý của đoạn kinh văn trong “Đại Nhật Kinh” này không phải là nói về Tâm giác tri, thì hãy đọc đoạn kinh văn nối tiếp dưới đây làm chứng: “Khi đó, Bạc Già Phạn Tỳ Lô Giá Na Phật nói cho Trì Kim Cương Thủ lắng nghe tướng của Pháp: ‘Pháp lìa khỏi sự phân biệt và tất thảy vọng tưởng. Nếu tịnh trừ vọng tưởng, Tâm tư khởi các tạo tác (hành động), ta thành tối Chính Giác, cứu cánh như hư không. Là thứ mà kẻ phàm ngu (phàm phu và La Hán) đều không thể biết, cảnh giới tà vọng chấp, các tướng mạo thời không, lạc dục Vô minh che khuất. Vì độ thoát khỏi những thứ đó, tùy thuận mà phương tiện nói ra’”. (“Đại Chính Tạng” quyển 18, trang 4 cột dưới). Sau khi dùng Tâm ý thức giác tri “tịnh ngôn thuyết, trừ vọng tưởng” như thế xong, rồi nói việc Ý thức minh tịnh lìa tất cả mọi ngôn thuyết đó sinh khởi các hành vi là tính lìa phân biệt. Còn nói: Người mà có thể thường xuyên an trú như thế thì tức là đã thành đạo Phật cứu cánh rồi. Việc “Phật Đại Tỳ Lô Giá Na của Mật tông” trong “Đại Nhật Kinh” gọi Tâm ý thức không sinh khởi các ngôn ngữ và vọng tưởng là Chân Tâm như thế là rơi vào trong Ngã kiến của Tâm ý thức. Rồi lại quan sát “Tất thảy pháp bên ngoài Tâm giác tri” đều là Không, gọi là “Đẳng trì của Chính Giác”, vì thế mà “Bồ Tát” Kim Cương Thủ nghe “Phật” thuyết pháp xong bèn nói thế này: “Phật nói tất thảy Không, đẳng trì của Chính Giác, Tam muội chứng biết Tâm, không theo dị duyên đắc. Cảnh giới như thế đó, tất thảy Như Lai định, cho nên nói Đại Không, viên mãn Tát Bà Nhược”. (“Đại Chính Tạng” quyển 18, trang 9 cột trên). “Phật Đại Tỳ Lô Giá Na của Mật tông” và “Bồ Tát” Kim Cương Thủ trong “Đại Nhật Kinh” sau khi nhận định Tâm giác tri (ở cảnh giới) nhất niệm bất sinh là Tâm chân thực bất hoại xong bèn xây dựng riêng một cái “Hư không” làm cội nguồn của tất thảy pháp giới: “Khi đó, Thế Tôn lại quan sát các hội đại chúng, vì muốn thỏa mãn tất thảy nguyện, bèn nói lại câu pháp viên mãn Vô lượng quyết định trí ba đời: Hư không vô cấu vô tự tính, có thể truyền sinh các loại xảo trí, vì từ bản tự tính thường không, duyên khởi thậm thâm khó mà thấy, trong trường hằng thời thù thắng tiến, tùy niệm thí cho vô thượng quả. Ví dụ tất thảy chốn cung thất, tuy dựa hư không vô trước hành, pháp thanh tịnh này cũng như vậy, Tam hữu vô dư thanh tịnh sinh”. (“Đại Chính Tạng” quyển 18, trang 17 cột dưới). Những lời nói trước sau như thế tự mâu thuẫn với nhau. Đoạn trước thì coi Tâm giác tri nhất niệm bất sinh là Pháp chân thực thường trú bất hoại, thì nghĩa là tất thảy pháp như thân tâm của chúng sinh đều phải từ Tâm giác tri này sinh ra, như thế mới đúng lý của họ. Nay lại nói Hư không không có cấu bẩn không có tự tính, có thể truyền trao các loại trí tuệ thiện xảo, tức là coi Hư không là cội nguồn của tất thảy pháp, như thế là trái ngược với lời nói của chính mình, trước sau mâu thuẫn. Trên thế gian sao lại có người như thế mà gọi là Phật được? lại còn tôn xưng ông ta là “Phật Đại Tỳ Lô Giá Na” của Pháp thân và Báo thân, như thế không bị coi là kẻ điên sao? Qua đó có thể chứng thực “Đại Nhật Kinh” mà Mật tông sùng bái kỳ thực chỉ là sáng tác tập thể dài kỳ dựa trên vọng tưởng của những kẻ phàm phu chưa ngộ mà thôi, nhưng lại giả thác là do Phật Đại Tỳ Lô Giá Na (có xuất xứ từ) trong “Hoa Nghiêm Kinh” nói ra, đó tuyệt đối không phải là kinh điển thực sự do Phật nói, chỉ có những Bồ Tát chưa có Đạo chủng trí mới bị chúng mê hoặc. Nếu là người có Đại chủng trí thì tất sẽ có đủ trí tuệ để phá chúng, giải thích từng câu chữ trước đông đảo các Phật tử. “Phật Đại Tỳ Lô Giá Na” Báo thân Như Lai trong “Đại Nhật Kinh” nói về Kiến Đế như thế nào đây? Hãy xem đoạn văn dưới đây: “…Bản tịch ở chư pháp, trong thường vô tự tính, an trú như Di Lặc, thì gọi là Kiến Đế. Không này là Thực Tế, không phải lời hư vọng, nhìn thấy như Phật thấy, cổ Phật nhìn như thế. Kịp được Bồ Đề tâm, tất địa tối vô thượng” (“Đại Chính Tạng” quyển 18, trang 33 cột giữa). Nội dung nói trong câu kệ trên ý là đem Tâm giác tri an trú trong sự ức tưởng “tất thảy pháp không” – quán tất thảy pháp đều vô thường biến dị, tính nó vốn dĩ là Không, còn Tâm giác tri thường trụ bất hoại, làm được như thế tức là “Kiến Đạo” của Mật tông. “Phật Đại Tỳ Lô Giá Na” Báo thân Như Lai trong “Đại Nhật Kinh” còn khai thị thế này: “Đại tiên chính đẳng giác, Phật tử chúng tam muội, thanh tịnh lìa khỏi Tưởng. Có Tưởng là thế gian, theo nghiệp mà gặt quả, có lúc chín thành thục. Nếu đắc thành Tất địa, tự tại chuyển các nghiệp. Tâm vì vô tự tính, lìa xa khỏi nhân quả, giải thoát khỏi nghiệp sinh, sinh đều đồng hư không” (“Đại Chính Tạng” quyển 18, trang 33 cột dưới). “Đại Nhật Kinh” của Mật tông chỗ nào cũng coi Lục chuyển thức như Tâm giác tri là gốc rễ của tất thảy mọi pháp, coi Lục chuyển thức như Tâm giác tri là Tâm có thể sinh ra vạn pháp. Nói như thế xong, lại còn nói tính kiến văn giác tri của Lục chuyển thức và Tâm Mạt Na làm chủ không có Tự thể tính chân thực bất hoại, mà nói rằng “Tâm vì vô tự tính, lìa xa khỏi nhân quả”, ý là từ việc các Tâm như Tâm giác tri không có tự tính nên nó không dính dáng đến nhân quả, lấy sự “vô tự tính” này để nói rằng như thế là giải thoát khỏi nghiệp quả, để nói “sự thụ sinh luân hồi liên tục của đời sau cũng đồng như hư không”. Như vậy, cùng trong một cuốn kinh mà nội dung trước sau tự mâu thuẫn. Thế nhưng, trong “Kinh Lăng Già”, Phật nói rõ Tâm Thức thứ tám A Lại Da có bảy loại “Tính Tự tính”, nhờ có bảy loại “Tính Tự tính” này nên mới có thể sinh ra tất thảy pháp như Ngũ uẩn, Thất thức…Sau khi sinh ra vạn pháp xong, nó tùy theo bảy thức vọng tâm luân chuyển trong Tam giới, trong Tam giới sinh tử lại thị hiện vô sinh vô tử, không chịu nhân quả. Những gì Phật nói đều lấy Tâm Thức thứ tám làm Bản thể của chư pháp, chứ không lấy Tâm giác tri làm Bản thể của chư pháp như trong “Đại Nhật Kinh”, cũng không phải vì Tâm không có tự tính nên lìa xa nhân quả như đoạn văn trên trong “Đại Nhật Kinh”. Tâm giác tri nhất định phải chịu nhân quả và các quả báo khổ lạc, vì nó tương ứng với vạn pháp ở Lục trần, duy chỉ khi Tâm giác tri tạm thời đoạn diệt trong Ngũ vị như lúc ngủ say không mơ thì mới không phải chịu quả báo khổ lạc. “Phật pháp” nói trong “Đại Nhật Kinh” như thế khác xa với những gì Phật tuyên thuyết trong các kinh Tam thừa, thì sao có thể nói là Phật pháp chân chính được? sao có thể nói đó là do Phật thuyết được? Đó chỉ là tà thuyết mà các thày Mật tông khi xưa dựa vào sáng tác tập thể của “Ngã kiến, thường kiến” tạo ra mà thôi. “Đại Nhật Như Lai” trong “Đại Nhật Kinh” lại đem cảnh giới do quán tưởng tạo thành ra để nói Tâm Chân Ngôn đó là Phật chân Pháp thân, nói Tâm Chân Ngôn đó là Pháp thân Như Lai. Như thế để nói là đã thành tựu đoạn chứng, và thành Phật: “Khi đó, người Trì Kim Cương sau đó lại thỉnh hỏi Đại Nhật Thế Tôn lần nữa về Tâm Chân Ngôn mạn đà la, mà nói kệ rằng: ‘thế nào là tất cả, chân ngôn thực ngữ tâm? Thế nào mà hiểu rõ, gọi là A xà lê?’ Khi đó, Bạc Già Phạn Đại Tỳ Lô Giá Na, khéo nói dụ cho Kim Cương Thủ: ‘Thiện tai, ma ha tát!’ khiến cho vị ấy tâm sinh hoan hỉ. Lại nói như thế này: ‘Hiểu tối mật trong mật, chân ngôn trí đại tâm, nay nói cho ngươi biết, nhất tâm mà lắng nghe. Cái gọi là chữ A, tất thảy chân ngôn tâm, từ đây lưu tràn khắp, vô lượng các chân gôn, tất thảy hý luận diệt, sinh ra xảo trí tuệ. Bí Mật Chủ đợi gì, tất thảy chân ngữ tâm? Phật lưỡng túc tôn thuyết, chữ A là chủng tử, nên tất thảy như thế, an trú các chi phần. Như khi tương ứng khắp, y pháp đều truyền lan. Từ chữ ban đầu này, biến tại chữ tăng gia, các chữ đều thành âm, chi thể từ đây sinh, nên nó lan tất cả, thân sinh các loại đức. Nay nói sự phân bố, Phật tử nhất tâm nghe: lấy tâm mà tạo tâm, còn lại lan chi phần, tất thảy làm như thế, tức đồng với Ngã thể. An trú du già tọa, tìm niệm chư Như Lai. Nếu ở giáo pháp này, hiểu được quảng đại trí, Chính giác đại công đức, nói là A xà lê. Đó tức là Như Lai, cũng tên gọi là Phật’…” (“Đại Chính Tạng” quyển 18, trang 38 cột trên và giữa). Việc lấy chữ “A” làm tất thảy Tâm chân ngôn như thế, cho nên nói chữ A có thể sinh tất thảy vạn pháp. Thế nhưng trong “lời Phật” của cùng một cuốn kinh nêu ra bên trên lại nói về Hư không là “Hư không vô cấu vô tự tính, có thể truyền sinh các loại xảo trí, vì từ bản tự tính thường không, duyên khởi thậm thâm khó mà thấy”, thì lẽ ra “Hư không” mới là Tâm Chân Thực, vì Hư không có thể truyền sinh ra các loại xảo trí, vì vị “Phật” ấy nói Hư không “từ bản tự tính thường không”. Như vậy, lời nói trước sau trong “Đại Nhật Kinh” tự mâu thuẫn, không có tính mạch lạc nhất quán, trước sau không cùng một pháp lý, tự nói trái ngược nhau. Lại vì không biết, cũng không chứng được Như Lai Tạng của tất thảy Thực tướng pháp giới, chứng tỏ chưa hề chứng được trí tuệ Bát Nhã. Cho nên, có thể nói kinh này chỉ là do các thượng sư Mật tông các nhà tập hợp kinh sách trường kỳ tạo thành, tuyệt đối không phải là do Phật thật sự nói ra. Như vậy, câu nói “Trì chân ngôn đó để tu pháp quán tưởng, phân bố khắp các chữ chủng tử, nếu có thể quán tưởng thành công, tức là đã thành Phật cứu cánh, không khác so với Phật” trong “Đại Nhật Kinh” không chỉ tự mâu thuẫn trước sau, mà còn hoang đường nực cười nữa, vì “Đại Nhật Kinh” lúc thì coi Tâm giác tri là Thể của vạn pháp, có lúc lại coi Hư không là Thể của vạn pháp, lại có lúc lấy chữ “A” trong chữ chủng tử làm Thể của vạn pháp. Cho nên, việc không chứng được Bản thể thức Như Lai Tạng của vạn pháp mà nói dựa vào quán tưởng chữ chủng tử là có thể thành Phật quả thực là những lời lẽ hư vọng. Ngay cả các Bồ Tát sơ địa nếu tự biên tạo hoặc “sáng tác” kinh Phật cũng không thể phạm những sai lầm như vậy, thế nhưng “Phật Đại Tỳ Lô Giá Na” của “Báo thân Phật, Pháp thân Phật” của Mật tông lại phạm những sai lầm này. Những pháp họ nói đều đầy rẫy lỗ hổng, trước sau mâu thuẫn. Đã không thể nói được Tâm Thức thứ tám của Thể Bát Nhã ở đâu, cho dù có nói ẩn nói hiện cũng đều không làm nổi, thế mà lại rêu rao rằng “Đại Nhật Như Lai” trong “Đại Nhật Kinh” là Đại Nhật Như Lai Pháp thân Phật nói trong “Hoa Nghiêm Kinh”? Không thể có cái lý ấy được!
|
Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |