Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |
Tiết 8: Tà kiến của Mật tông dẫn đến pháp nghĩa Phật giáo chia lìa tan vỡ -2 |
Ý của Tông Khách Ba trong đoạn này là nói những người trong Hiển giáo tuy có thể tu chứng được một vị thực tính của chư pháp, nhưng vì không tu thiên du già (thiên du già là quán tưởng thiên thân quảng đại của Bản tôn, không quán tưởng (mình có) thiên thân quảng đại) nên không thể sinh khởi thiên thân quảng đại, thì “Báo thân” lúc thành Phật sẽ yếu kém, không thể nào vượt qua giới hạn nhục thân của nhân gian, cho nên mới nói pháp môn tu bên Hiển giáo là “có hạn lượng”, là “không quảng đại”. Còn Mật tông thì muốn dựa vào quán tưởng thiên thân quảng đại để trở thành Báo thân lúc thành Phật, kỳ thực chỉ là vọng tưởng. Bởi lẽ, Báo thân trang nghiêm thành Phật trong tương lai của Phật tử không phải là do tu quán tưởng mà được, vì có được là nhờ quả báo trí tuệ Bát Nhã và Thiền định, hoàn toàn không hề dựa vào quán tưởng mà có. Các Phật tử nếu chứng được “Đạo chủng trí” trong trí tuệ Bát Nhã là nhập vào Sơ địa. Tuy chưa tu thiền định, nhưng khi xả báo nếu người nào muốn sinh lên Sắc cứu cánh thiên thì chắc chắn đều được vãng sinh. Sau khi sinh lên tầng trời đó, tự nhiên sẽ có được thiên thân quảng đại nhất trong Tam giới, chẳng cần gì phải tu các loại quán tưởng, bởi đó là quả báo Dị Thục được sinh lên Sắc cứu cánh thiên nhờ có Đạo chủng trí, vĩnh trừ tính chướng và phát Thập vô tận nguyện của Bồ Tát. Ngược lại, các hành giả Mật tông tuy tu pháp “quán tưởng thiên thân quảng đại”, nhưng vì chưa thể chứng được Tổng tướng trí của Bát Nhã – vì ngộ nhận Tâm ý thức giác tri là Chân Như – nên chắc chắn không thể tiến tu Nhất thiết chủng trí, thì không thể nào chứng được Đạo chủng trí mà vào Sơ địa, mà được sinh lên Sắc cứu cánh thiên, thì không thể nào có được thiên thân quảng đại nhất trong Tam giới. Cho dù có quán tưởng được “thiên thân” của mình quảng đại vô biên, thì vẫn không thể nào khiến cho thiên thân quán tưởng đó có tính dụng của nó, bởi đó chỉ là tướng phần trong tâm bản thân anh ta mà thôi. Sau này khi xả thọ, còn không thể sinh được lên đến Sơ thiền thiên để có được sắc thân cao lớn hơn thiên nhân ở Dục giới thiên, huống hồ có thể phát khởi thiên thân quảng đại nhất ở Sắc cứu cánh thiên? Thân quảng đại do quán tưởng mà có ở trong Tâm giác tri chỉ là tướng phần trong chính Tâm giác tri của mình, không thể khởi dụng công đức trong Tam giới sau khi xả thọ, bởi pháp quán tưởng này không thể sinh ra quả báo Dị Thục trong đời tương lai được, vì quả Dị Thục đời sau phải nhờ chính nhân của quả Dị Thục đó mới có, trong khi pháp quán tưởng lại không phải là chính nhân của quả Dị Thục đời sau. Lại vì chưa chứng được trí tuệ Bát Nhã, còn không thể sinh được lên đến Dục giới thiên, huống hồ có thể sinh lên đến Sắc cứu cánh thiên mà đắc quả báo thiên thân? Cho nên anh ta không thể nào có thiên thân cao lớn được. Vì thế mới nói việc Mật tông muốn dựa vào pháp quán tưởng để thành tựu “thiên thân quảng đại” nhằm làm thân Phật (sau này) chỉ là hư vọng tưởng mà thôi. Lại nữa, người muốn có được thiên thân ở Dục giới, trước hết phải tránh xa tà hành dâm lạc mà Mật tông đang tìm cầu, giảm thiểu tham trước về nam nữ dục, đồng thời tu trì Ngũ giới không phạm, thêm vào đó phải quảng hành Thập thiện để làm lợi cho chúng sinh. Nếu người nào có thể quảng hành Thập thiện và trì giới không phạm, tham trước về ái dục nam nữ ngày càng đạm bạc (nhạt đi) thì càng có thể sinh lên đến tầng trời cao nhất trong Dục giới, thì thiên thân sẽ càng cao lớn, chẳng cần phải tu pháp quán tưởng thiên thân, không cần phải tu pháp quán tưởng để đắc thiên thân quảng đại ở Dục giới, vì pháp quán tưởng “thiên thân” không phải là chính nhân quả Dị Thục của Dục giới thiên. Cho nên, nỗ lực tu tập pháp quán tưởng thiên thân, cũng không thể tăng cường lợi ích cho thân lượng sau khi anh ta vãng sinh đến Dục giới thiên, có tu cũng thành vô dụng. Muốn giành được thiên thân Sắc giới cao quảng hơn, thì phải tu tập thiền định, dựa vào mức độ cao thấp của Tứ thiền Bát định do mỗi người chứng được mà được vãng sinh đến các tầng trời khác nhau ở Sắc giới. Người có mức độ thiền định càng cao thì càng có thể sinh lên Sắc giới thiên ở mức cao hơn. Người sinh được đến tầng Sắc giới thiên càng cao thì thiên thân của anh ta sẽ càng cao lớn, chứ không phải do đời trước tu quán tưởng thiên thân mà được, cũng không phải do đời trước có tu quán tưởng thiên thân hay không mà có sự khác biệt. Người có thân lượng cao lớn nhất trong các chúng sinh ở Tam giới không ai vượt qua nổi thiên nhân ở Sắc cứu cánh thiên. Nơi này chỉ có các Bồ Tát ở quả vị từ Sơ địa trở lên mới có thể vãng sinh đến được. Phải dựa vào Đạo chủng trí, vĩnh trừ tính chướng, thực hiện các tịnh nghiệp cứu hộ chúng sinh quay vào chính đạo và dũng mãnh phát Thập vô tận nguyện, bốn điều kiện này đầy đủ thì mới có thể vãng sinh đến tầng trời Sắc cứu cánh thiên, không phải là nơi mà các La Hán của Thanh Văn thừa có thể vãng sinh đến (vì họ nhất định sẽ nhập Niết Bàn vô dư, không có Đạo chủng trí), cũng không phải là nơi mà các thánh nhân Tam quả có thể đến được. Tầng trời này càng không phải là cảnh giới mà các hành giả Mật tông có thể sinh đến, vì các hành giả Mật tông còn chưa thể giảm thiểu tối đa tham dục nam nữ của mình, ngược lại còn tin theo tà kiến Mật tông, muốn cầu chứng Đệ tứ hỷ với lạc thụ lớn nhất trong dâm dục, còn muốn cầu lạc thụ kéo dài nhất trong dâm dục, tuy miệng nói không chấp trước gì trong cơn lạc thụ nhưng tâm thái và hành vi của họ lại làm ngược lại, kỳ thực là càng chấp trước sâu nặng hơn vào ái dục nam nữ, vì thế chắc chắn sẽ dẫn đến mãi mãi rơi vào vòng dâm dục nam nữ ở nhân gian có tầng thứ thấp nhất trong Dục giới, cùng làm quyến thuộc của nhau. Những người như thế, sự tham dục của họ còn nặng hơn những người bình thường ở nhân gian, huống hồ có thể nhẹ hơn thiên nhân ở lục Dục thiên? Như vậy, Kiến, Tu, Hành, Quả của hành giả Mật tông còn không thể sinh đến sáu tầng trời của Dục giới thiên, quả báo Dị Thục đời sau vẫn sẽ thụ sinh làm nhục thân nhỏ thấp ở nhân gian, sao có thể sinh được đến tầng trời Dục giới được? Còn không thể sinh đến các tầng trời Dục giới, huống hồ có thể sinh đến Sắc cứu cánh thiên? Còn không thể sinh được đến Sắc cứu cánh thiên, sao có thể đắc thiên thân cao lớn nhất trong Tam giới mà vọng ngôn nói pháp quán tưởng có thể khiến cho người ta đạt được thiên thân cao quảng nhất lúc thành Phật trong tương lai? Đó đều là “những lời vọng tưởng”, thế nhưng các hành giả Mật tông như Tông Khách Ba lại không biết được chính lý đạt được thiên thân cao lớn, vọng cầu thành tựu thiên thân cao lớn để làm Phật thân bằng pháp quán tưởng, thật đúng là những kẻ vô trí. Những người học Mật tông tự xưng là có căn khí tối thượng thượng, vậy mà pháp tu học của họ lại là pháp hoang đường nhất, thấp kém nhất, thế mà lại dám nói “người căn khí tối thượng thượng mới có thể tu Mật pháp”, vô cùng điên đảo, hoàn toàn vô nghĩa. Tông Khách Ba sau đó lại nói rằng: “Như luận sư Tịch Tĩnh (của Mật tông) nói: ‘từ việc tu các pháp tự thể, là cảnh giới thanh tịnh nhất, cùng với sức mạnh tự tính Ba la mật đa, thì với Ba la mật của tất thảy chư Phật, khiến các hành động tu Ba la mật đa của mình đều được viên mãn trong tất thảy sát na trong tâm. Cúng dường tự tha (mình và người khác) cũng tức là cúng dường tất thảy chư Phật, chỉ là vật nhỏ bé cũng thành vật cúng dường thắng diệu, cho nên dễ đắc Bồ Đề, đó là Tự tính của Bồ Đề đạo. Nói từ “cho nên”, chứng tỏ rằng chỉ nhờ từ pháp này mới có thể nhanh chóng chứng được Bồ Đề, như nói rằng: Duy từ du già này, nhanh chứng đắc Phật quả’. Những lời nói này phối hợp với năng tịnh, sở tịnh và thắng giải như trên, tu vì thể tính Phật pháp vô biên, thì có thể thành thục tất cả thiện căn thứ tự viên mãn…Sự quảng đại tối thắng này chỉ có khi thứ tự viên mãn. Trong Ba la mật đa thừa (chỉ Đại thừa của Hiển giáo) tuy tu đạo tùy thuận Pháp thân, không tu trái với đạo tùy thuận sắc thân cảnh tướng tầm thường, cho nên tư lương “viên mãn sắc thân nhân” cực lâu cực xa. Trong Mật chú thừa đều có những thứ đó, cho nên cực dễ viên mãn tư lương”. (21-543) Tông Khách Ba kỳ thực hoàn toàn không hiểu gì về Phật pháp, hoàn toàn không biết gì về đạo Phật Bồ Đề phải chứng trong Đại thừa, thậm chí ngay cả đạo Giải Thoát rất thô thiển của Nhị thừa cũng chẳng hiểu gì cả - vì ông ta chấp Ý thức và Minh điểm là pháp bất hoại, chấp Tâm giác tri và trí tuệ Lạc Không bất nhị chứng đắc trong dâm lạc tương ứng với Tâm giác tri là pháp bất hoại. Vấn đề này xin phép tạm chỉ nêu ra mà không thuật chi tiết, đợi đến Chương 8, Chương 9 sẽ thuật tiếp. Nay chỉ biện chính về những khai thị trong đoạn này như sau: Tông Khách Ba cho rằng người tu theo pháp của Mật tông, không chỉ có thể đạt được tất thảy công đức mà bên Hiển giáo tu chứng, mà Mật pháp của ông ta còn thù thắng hơn, cho nên, tuy cúng dường bằng những vật nhỏ bé, thì cũng có thể đạt được Bồ Đề, không như Hiển giáo bắt buộc phải chứng Như Lai Tạng, phải tu tập các pháp bố thí vô lượng. Ý ông ta cho rằng chỉ cần cúng dường bằng ngũ cam lộ và ngũ nhục của Mật tông, đem lạc xúc dâm lạc trong hợp tu song thân quán tưởng cúng dường “Phật” là có thể nhanh chóng đạt được Bồ Đề quả, có thể nhanh chóng thành Phật. Từ cách cúng dường “pháp thắng diệu đệ tứ hỷ dâm lạc” của Mật tông này, Tông Khách Ba đã hạ thấp pháp môn tu hành của Hiển giáo là chậm chạp và khó chứng Phật quả. Thế nhưng, sự thật lại hoàn toàn ngược lại: Những người tu hành bằng pháp môn mà Tông Khách Ba nói đó không những không thể thành Phật, cũng không thể chứng được trí tuệ Bát Nhã ở chư địa, thấp đến như trí tuệ Bát Nhã thất trụ vị trong Thập trụ vị cũng không thể chứng, thậm chí đến không huệ “song ấn Năng thủ Sở thủ Không” mà các Bồ Tát lục trụ vị trong Thập trụ vị chứng được họ cũng không thể chứng đắc. Ở đây nói khi Bồ Tát lục trụ vị “song ấn Năng thủ Sở thủ Không”, tức là đã kiên định tâm mình, tuyệt đối không còn chấp nhận coi Tâm giác tri là Tâm bất hoại nữa, càng không chấp nhận Tâm giác tri Lạc Không song vận trong pháp tu song thân là Tâm thường trụ bất hoại nữa, thậm chí là phủ định luôn Tâm giác tri này, nói nó là Tâm ý thức y tha khởi tính; hiện tiền quan sát cái Tâm giác tri thụ lạc này là “thường bất hoại Ngã” của thường kiến ngoại đạo; hiện tiền quan sát Tâm giác tri này là pháp do chúng duyên hợp sinh, đồng thời hiện quan thấy dâm lạc mà Tâm giác tri này tiếp xúc chỉ là gốc rễ luân hồi sinh tử trong Dục giới của chúng sinh Dục giới, cũng là pháp do chúng duyên sinh ra. Cho nên mới nói người đã hiện quan “Năng thủ Sở thủ Không”, đã hoàn toàn quyết định, không còn thoái chuyển đối với “Năng thủ Sở thủ Không” gọi là Bồ Tát lục trụ vị mãn tâm. Nay thấy Tông Khách Ba của Mật tông và tất thảy các thày xưa nay của tứ đại phái đều nhận định Minh điểm là A Lại Da thức, đều coi Tâm giác tri lúc Lạc Không song vận là Chân Như ở Phật địa, đều cho rằng Tâm giác tri nhất niệm bất sinh trong lúc tĩnh tọa là Chân Như ở Phật địa thì đã chứng tỏ rõ ràng rằng: các thày của tứ đại phái Mật tông từ xưa đến nay đều coi Tâm giác tri nhất tâm thụ lạc mà không khởi vọng niệm là “Chân Như ở Phật địa Báo thân”, như thế là họ tự cho rằng đã thành tựu Tất địa – tức thân thành Phật. Những người coi Ý thức là Chân Như ở Phật địa như thế, kỳ thực đều chưa hề chứng được trí tuệ “chư pháp Không tướng” trong “song ấn Năng thủ Sở thủ Không” mà các Bồ Tát lục trụ vị đã chứng, vì Tâm giác tri nhất niệm bất sinh vẫn là Tâm ý thức có thể thủ chấp vạn pháp (Năng thủ), vẫn là “Tâm thường trụ bất hoại” mà thường kiến ngoại đạo thường chấp trước. Pháp vương của Mật tông như thế còn không thể chứng được Không huệ “duyên khởi tính không” mà người Nhị thừa chứng đắc, thì sao có thể biết đến trí tuệ Không tính Bát Nhã ở Thất trụ vị của Đại thừa – Bản lai Tự tính Thanh tịnh Niết Bàn và thể tính Bát bất Trung đạo của Thức thứ tám? Đã không biết, không chứng được “Không tướng trí và Không tính trí” (trí tuệ duyên khởi tính không của Uẩn Xứ Giới và trí tuệ Bát Nhã của Không tướng Tâm Thức thứ tám cội nguồn của vạn pháp) của Bồ Tát lục trụ vị, thất trụ vị, thì sao có thể chứng được Đạo chủng trí ở Sơ địa? Đã không biết cũng không chứng được Đạo chủng trí ở Sơ địa, thì sao có thể chứng biết trí tuệ ở Phật địa? Các phàm phu thượng sư Mật tông không biết, không chứng được trí tuệ Kiến đạo của Đại thừa mà lại dám hạ thấp sự tu chứng của các Bồ Tát Hiển giáo là nông cạn, hạ thấp sự tu chứng của Phật bên Hiển giáo là thô thiển, không bằng “Phật” tà dâm của Mật tông, rồi lại ngoa ngôn nói sự tu chứng của Mật tông còn thắng diệu hơn cả Hiển giáo, có thể khiến người ta “tức thân tu thành cảnh giới Báo thân Phật và Pháp thân Phật”, như thế há chẳng phải là những kẻ cực ngu si, cực điên cuồng ở nhân gian hay sao? Ấy thế mà các đại pháp sư của Hiển giáo lại không nhận ra được sự tà trái, hoang đường của họ, lại còn tranh nhau phan duyên vào những người hoằng truyền giáo pháp tà dâm như Đạt Lai Lạt Ma, như thế chẳng phải là những kẻ cực ngu si hay sao? Ví dụ, Đạt Lai Lạt Ma từng cho rằng Tâm ly niệm linh tri trong cơn cực khoái tình dục là Chân Như ở Phật địa: “…Mà cảm giác mãnh liệt nhất là lúc đang đạt được cực khoái tình dục, đây là một trong những nguyên nhân mà việc tu tập Đại lạc (pháp môn tức thân thành Phật tu chứng Chân Như ở Phật địa Lạc Không song vận bằng Song thân pháp) sở dĩ được bao hàm trong mật tục Yoga tối cao…Người bình thường luôn hiểu sai rất nhiều về tình dục và những ẩn dụ tượng trưng trong Mật tục vô thượng yoga. Lý do thực sự của ẩn dụ tình dục hoàn toàn là vì trong tình huống xuất hiện bốn loại Minh Quang, thì cực khoái tình dục là mãnh liệt nhất. Vì thế, sự ẩn dụ này mới dùng trong tĩnh tọa, bằng kinh nghiệm kéo dài sự xuất hiện của Minh Quang, khiến nó càng rõ rang tươi sang – mục đích là ở chỗ này. Khi đạt cực khoái tình dục, vì kinh nghiệm xuất hiện Minh Quang khá lâu, do đó, anh rất rất có cơ hội lợi dụng thêm”. (182-147~148) Đạt Lai Lạt Ma đã coi cực khoái tình dục là pháp môn tu chứng thì chắc chắn sẽ đọa vào trong Tâm ý thức. Các thày Mật tông không biết Thức thứ tám A Lại Da chính là Như Lai Tạng, vọng coi Minh điểm trong Trung mạch do quán tưởng mà thành là Như Lai Tạng thức, rồi xây dựng riêng một pháp khác là Như Lai Tạng – lấy Tâm giác tri ý thức nhất tâm hưởng lạc trong Lạc Không song vận làm Như Lai Tạng. Việc bóc tách Như Lai Tạng và Thức thứ tám ra như thế, biến thành hai pháp, thì người tu chứng “Như Lai Tạng” sẽ phải đả tọa, tu chứng công phu nhất niệm bất sinh, hoặc tu chứng Đệ tứ hỷ bằng hợp tu Song thân pháp với thượng sư khác giới nhằm cầu mong được “thường trụ” và nhất niệm bất sinh trong lạc xúc lớn nhất của dâm lạc, rồi sinh khởi “Không tính kiến” cho rằng “Tâm giác tri dâm lạc không có hình sắc nên là Không tính, cảm xúc Đệ tứ hỷ của dâm lạc cũng không có hình sắc nên là Không tính”. (Tu được như thế) Mật tông gọi đó là người “chứng đắc Như Lai Tạng”, là người Báo thân thành tựu, Pháp thân thành tựu. Cho nên, hành giả Mật tông nếu muốn tu chứng Như Lai Tạng A Lại Da thức thì nhất định phải đả tọa rồi quán tưởng Trung mạch và Minh điểm. Người thành tựu quán tưởng Minh điểm “tức là” người đã chứng được Thức thứ tám A Lại Da. Nếu như có thể khiến cho Minh điểm tự do lên xuống giữa Đỉnh luân và Hải để luân trong Trung mạch, tức là thánh nhân chứng được “quả vị Bồ Tát Sơ địa” của Mật tông, vì Mật tông nói “thánh nhân” này có chứng lượng ngang với Bồ Tát Sơ địa của Hiển giáo (nhưng đó tuyệt đối không phải là Bồ Tát Sơ địa của Hiển giáo). Vì thế, Mật tông nói pháp của họ là pháp tối thắng tu chứng quả vị, có thể chứng đắc quả vị Sơ địa trong một đời mà bên Hiển giáo không thể sánh kịp, vì Hiển giáo phải mất một đại a tăng kỳ kiếp mới có thể chứng được quả vị Sơ địa. Từ tà kiến đó, A Lại Da thức Như Lai Tạng vốn dĩ là một pháp, nhưng vì Mật tông hiểu sai, tự lập pháp mới mà biến thành hai pháp khác nhau. Vì sự vọng lập hai pháp này mà dẫn đến chính pháp vốn dĩ chỉ là một pháp đã chuyển dịch thành tu hành hư vọng của hai pháp; pháp nghĩa thực sự của Phật giáo vì thế mà bị chia lìa, tan vỡ, người học càng khó chứng được trí tuệ Thực Tướng của Bát Nhã, còn ngoại đạo Mật tông Tây Tạng lại dựa vào đó để tự xưng là đã tu thành Bồ Tát Sơ địa…, dựa vào đó để trùm đầu người học Hiển giáo. Các thày Mật tông không biết rằng Pháp thân chính là Thức thứ tám A Lại Da (Ở Nhân địa gọi là A Lại Da thức, Dị Thục thức, gọi chung là Như Lai Tạng; Ở Phật địa thì chỉ có tên là Vô Cấu thức Chân Như, không gọi là Như Lai Tạng), nên đã vọng ngôn nói: Quán tưởng thiên thân quảng đại trang nghiêm, tương lai khi Lạc Không song vận sẽ chứng được Tâm giác tri trong Lạc Không song vận biến thành Chân Như ở Phật địa – coi Tâm giác tri hưởng lạc thụ này và nhận biết được Lạc Không bất nhị là Pháp thân Chân Như ở Phật địa; rồi coi thiên thân do quán tưởng mà thành là Báo thân viên mãn của Pháp thân. Thế nhưng họ lại không hề biết rằng Báo thân viên mãn của Phật địa phải nhờ Tổng tướng trí, Biệt tướng trí và Nhất thiết chủng trí của Bát Nhã mới có được, vì Báo thân viên mãn là Dị Thục quả của Nhất thiết chủng trí. Pháp ngoại đạo do những kẻ hư vọng tưởng như thế nói ra lại cố tình chụp lên các pháp Tam thừa, rồi lại ngoa ngôn nói còn thắng diệu hơn cả các pháp Tam thừa, đặt cho cái tên mỹ miều là “tức thân thành Phật”, hơn nữa là pháp môn tu thành “Pháp thân Phật”; thế nhưng “trí tuệ” mà họ tu chứng được thì chỉ là tà kiến ngoại đạo, cảnh giới mà họ tu chứng được chỉ là cảnh giới thế gian của ngoại đạo, hoàn toàn không liên quan gì đến Phật pháp. Tà kiến ngoại đạo của Mật tông như thế mà đã không biết tự xấu hổ lại dám đại ngôn hạ thấp sự tu chứng của các Bồ Tát của Hiển giáo, lại dám hạ thấp chính pháp Tam thừa do Thế Tôn truyền dạy là “Hạ liệt thừa”, lại dám hạ thấp những người tu hành của Hiển giáo là “căn khí hạ đẳng” – không đủ tư cách để tu tập Mật pháp. Thế nhưng, trong cuốn “Đại Nhật Kinh” – kinh điển căn bản của Mật tông, họ đã sớm tự thừa nhận pháp môn tu hành của Mật pháp là pháp phương tiện bày ra để phương tiện nhiếp dẫn “chúng sinh hạ liệt tham trước dục lạc và tham trước pháp hữu tướng” nhập vào “Phật đạo”: “Pháp vô tướng thậm thâm, kẻ trí tuệ hạ đẳng không kham nổi, vì để tùy thuận cho họ, nên mới kiêm nói về pháp hữu tướng” (“Đại Nhật Kinh” quyển 7). Các pháp nói trong kinh điển căn bản “Đại Nhật Kinh” của Mật tông kỳ thực đều là những hý luận nói không đúng nghĩa, chỉ có thể dựa vào “chư pháp Không tướng” của Duyên khởi tính không để nói về Uẩn Xứ Giới Không, chứ không thể nói đến “Thực tướng Không tính – Như Lai Tạng” của Đệ nhất nghĩa đế. Cho nên, khi cuốn kinh này mới lần đầu ra đời, không thể được các Bồ Tát chân ngộ của Phật Bồ Đề chấp nhận, đành phải nói rằng: “Pháp vô tướng thậm thâm, kẻ trí tuệ hạ đẳng không kham nổi, vì để tùy thuận cho họ, nên mới kiêm nói về pháp hữu tướng”. Nói như thế, khiến cho các Bồ Tát không tiện chỉ trích thêm nữa, nhờ thế mà cuốn kinh này mới tiếp tục tồn tại, lưu truyền hậu thế giữa các chúng sinh tham trước hữu tướng. Sau dần đến thời kỳ Mạt pháp, các Bồ Tát đã chứng ngộ đa phần cảm thấy căn khí của thế nhân ngày càng thấp kém khó độ, nên ít đến nhân gian. Bồ Tát thực sự có thể nhận rõ được gốc rễ vấn đề ngày càng ít, nên không còn ai có thể phá được bản chất ngoại đạo của họ, Mật tông bèn vì thế mà dám hoằng dương pháp ngoại đạo này không kỵ húy gì cả để nhằm thu hút tài nguyên của Phật giáo, đến nay đã đem pháp ngoại đạo này chụp lên trên các pháp Tam thừa, thật là những kẻ giỏi nghề điên đảo ngôn thuyết. Thế gian hiện tại còn cách thời gian Bồ Tát Nguyệt Quang giáng sinh rất xa mà Phật giáo đã bị Mật tông tiêu diệt ở Thiên Trúc, nay lại tái diễn sự việc này ở Đài Loan và khắp thế giới, nếu như không sớm tính kế đối trị lại họ thì e rằng sau 30 năm nữa sẽ lại lặp lại câu chuyện Phật giáo bị diệt bởi tay Mật tông ở Thiên Trúc năm xưa. Lần này nếu Phật giáo lại bị Mật tông diệt khắp toàn cầu thì Phật giáo thực sự sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội phục hưng, thì về sau tất cả những người tu hành Phật giáo sẽ coi pháp ngoại đạo mà Mật tông đang truyền bá là chính tu hành của Phật pháp. Cho nên, kế sách hôm nay chính là buộc phải làm lộ rõ bản chất của Mật tông, để tất cả mọi người đều được biết, thì mới có thể cứu vãn được huyết mạch Phật giáo khỏi kỳ nguy cấp. Cũng hy vọng rằng với những hành động này, có thể giúp cho mệnh mạch Phật giáo tiếp tục được kéo dài đến thời kỳ Bồ Tát Nguyệt Quang giáng sinh. Nếu làm được như vậy, thì đó chính là đại phúc của người học Phật từ nay về sau đó. Các thày Mật tông không hiểu được đạo lý Hiển Mật không hai (không khác nhau) nên mới đem các pháp bí mật không được khinh suất truyền ra ngoài như Mật chú, thân ấn, thủ ấn, quán tưởng, khí công, dâm lạc song thân hợp tu…biến thành Mật giáo. Trong khi đó, chư Phật và chư Bồ Tát thập phương lại coi Mật ý của Bát Nhã là Mật pháp, nhưng để tránh cho các chúng sinh chưa đủ phúc đức vì lỡ phỉ báng mà đọa xuống địa ngục, nên mới không cho phép truyền rõ bằng ngôn ngữ, mà ẩn giấu giữa các hàng chữ và lời nói, nói đó là Mật, điều này hoàn toàn khác biệt với Mật pháp mà Mật tông nói. Kỳ thực, pháp nghĩa Tam thừa của Phật giáo vốn dĩ không Mật, nhưng vì có sự sai biệt nông sâu trong tu chứng, lại vì không thể nói rõ cho những người chưa ngộ, cho nên mới gọi là Mật. Cho nên, trong pháp nghĩa Phật giáo chân chính, Hiển Mật vốn dĩ không khác biệt, đều là đạo Giải Thoát Nhị thừa và đạo Phật Bồ Đề Đại thừa do một vị Phật truyền lại, ngoài ra thì không còn có pháp nào khác có thể gọi là Phật pháp được. Mà đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề này đều dùng ngôn ngữ nói rõ để hiển thị Mật ý. Mật ý vốn nằm trong lời nói, không từng nằm bên ngoài lời nói, cho nên Hiển Mật vốn dĩ không hai, không cần Mật tông sáng tạo thêm Mật giáo và du nhập pháp thế gian Dục giới của ngoại đạo Tính Lực phái để thay thế cho Phật pháp.
|
Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |