Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |
Tiết 8: Tà kiến của Mật tông dẫn đến pháp nghĩa Phật giáo chia lìa tan vỡ -3 |
Pháp thế gian dâm dục của ngoại đạo mà Mật tông tự rêu rao là hơn cả Hiển giáo như thế, cho dù Mật tông trang hoàng làm đẹp cho nó như thế nào, thì rốt cuộc vẫn không thể nào thay đổi được bản chất ngoại đạo pháp của họ, các Phật tử có trí tuệ vẫn có thể nhìn thấu được sự hư vọng và tà trái của nó. Cho nên, trong pháp nghĩa của Phật giáo chân chính, Hiển Mật vốn dĩ không khác nhau, nhưng các thày Mật tông không hiểu lý này, đã du nhập pháp tu dâm dục của phái Tính Lực ngoại đạo vào, hợp thành Mật pháp, đặt cho cái tên mỹ miều là pháp “Dâm dục là Đạo”. Sau đó, họ lại suy tôn nó thành pháp tối cứu cánh trong “Phật giáo”, qua đó mà chia thành hai tông Hiển Mật, về bản chất chính là hành động phá hoại chính pháp của Phật giáo. Lại nữa, các thày Mật tông đều không biết Như Lai Tạng chính là Thức thứ tám A Lại Da, vọng đem Như Lai Tạng và A Lại Da thức chia một thành hai; lại vì không biết A Lại Da thức nằm ở đâu, nên dứt khoát chỉ định Minh điểm do quán tưởng mà thành là A Lại Da thức mà Phật nói, thật đúng là đầu Ngô mình Sở, không biết mình nói gì nữa. Sau khi chia tách Như Lai Tạng và A Lại Da thức ra như vậy, Mật tông đã khiến cho Phật pháp bị chia lìa tan vỡ. Những người học Phật đời sau sẽ không thể nào xây dựng được chính tri, chính kiến, vì thế mà mãi mãi tuyệt duyên với Kiến đạo. Mật tông vì thế mà trở thành kẻ phá pháp của Phật giáo, trở thành đại tội nhân của Phật giáo. Phật dùng các loại tên khác nhau để nói về Như Lai Tạng, không thể liệt kê ra từng cái tên một. Nhưng nói tóm lại, tất cả các tên gọi khác nhau đó đều nói về Tâm Thức thứ tám. Trước khi đoạn tận hai hoặc Kiến Tư[4] thì Tâm Thức thứ tám này có tên gọi chung là A Lại Da thức. Sau khi đoạn tận hai hoặc Kiến Tư thì gọi chung là Dị Thục thức. Có lúc, vì để người học dễ phân biệt được sự khác nhau giữa chúng mà lại bày thêm tên gọi là Thức thức chín. Trước khi đạt đến Phật địa cứu cánh, Thức thứ tám này đều gọi là Như Lai Tạng. Còn sau khi thành Phật, Thức thứ tám này mới được gọi là Chân Như, cũng gọi là Vô Cấu thức. Đôi khi, vì để người học dễ phân biệt giữa chúng có sự khác nhau nên lại đặt thêm một tên khác là Thức thứ mười. Trước khi thành Phật, cũng có khi lại nói Thức thứ tám này là Chân Như, nhưng đều là bày đặt phương tiện ngôn thuyết. Nó có các chính danh là Chân Như tà hành, Chân Như lưu chuyển, Chân Như an lập, Chân Như chính hành…đều thuộc về Chân Như ở Nhân địa. Quá trình tu chứng đoạn hoặc trong này có thể giúp người tu hành từ Chúng sinh vị tiến dần đến Phật địa, khiến Thức thứ tám trở thành Chân Như ở Phật địa. Trong quá trình này, tất thảy đều dựa vào Thức thứ tám này để thành tựu, cho nên mới nói quá trình như thế gọi là duyên khởi Chân Như. Chính lý, quá trình và nội dung của duyên khởi Chân Như tu chứng đoạn hoặc trong này đã được giảng giải nhiều lần và chi tiết trong các cuốn sách của tôi như “Tông thông và Thuyết thông”, “Chính pháp nhãn tạng – Hộ pháp tập”, “Ngã và Vô ngã”, độc giả đọc qua là biết, ở đâu cho phép không thuật lại nữa. Các thày Mật tông (bao gồm cả pháp sư Ấn Thuận) đều không biết Thức thứ tám chính là Như Lai Tạng, không biết A Lại Da thức chính là Như Lai Tạng, cho nên mới nảy sinh ra các loại vọng tưởng. Các thày Mật tông do chưa chứng được Như Lai Tạng, nên đã bám lấy Minh điểm do quán tưởng mà thành để xây dựng nên A Lại Da thức, rồi lại thành lập riêng một Tâm thanh tịnh khác trong tưởng tưởng làm Như Lai Tạng, hoặc đem Tâm ý thức giác tri (trong trạng thái) nhất niệm bất sinh coi là Như Lai Tạng… Các loại tà kiến hiểu sai về Bát Nhã như thế, đều là do hiểu nhầm về Thức thứ tám Như Lai Tạng sinh ra. Ví dụ, Thượng sư Trần Kiện Dân nói: “Lại nói về Tâm, hàm nghĩa rộng nhất. Tâm cục thịt là Tâm sinh lý; Tâm vọng tưởng là Tâm tâm lý; còn lương tâm, thiện tâm, ác tâm là Tâm luân lý; chín loại trụ tâm là Tâm tôn giáo, triết lý; Tâm tập khởi thì thuộc về Duy thức tông của Phật giáo; cuối cùng có một loại gọi là “Tâm Như Lai Tạng”, hoặc gọi là “Viên giác diệu tâm”, hay còn gọi là “Tự tính thanh tịnh tâm”, “Chân Như diệu tâm”, “Niết Bàn diệu tâm”, chúng đều thuộc về Pháp thân trong quả vị Phật giáo. Cái Tâm nói trong Đại thủ ấn đều thuộc về loại Tâm cuối cùng, cho nên không thể nói lẫn với các loại Tâm liệt kê trước đó”. (34-701) Nói Tâm của Đại thủ ấn là Như Lai Tạng như thế, nhưng Thượng sư Trần Kiện Dân lại không biết Như Lai Tạng chính là Thức thứ tám A Lại Da, cũng không biết “Tâm tập khởi A Lại Da thức” nói trong Duy thức tông chính là Như Lai Tạng, dẫn đến hiểu sai về Tâm Như Lai Tạng: “…Ba chữ Thể, Tính, Không tức là Đại thủ ấn, cũng chính là Tâm thể quang minh trong đệ tứ cú (câu thứ tư). Cho nên, chữ Tâm dễ hỗn loạn nhất. Bài viết này đặc biệt dùng từ Minh Thể, là muốn để phân biệt nó… “Minh” là sự Trí Bi hóa hai thứ Tâm - Vật, “Thể” là bản thể của hai thứ Tâm - Vật. Hơn nữa, đó lại là cách gọi không từng được dùng trong pháp tướng của Hiển giáo, cho nên thiển ý của tôi là lấy “Minh Thể” thay thế cho các cụm từ như “Chân Như diệu tâm”, “Niết Bàn diệu tâm”…để tiện cho việc thuyết minh Đại ấn trong lục đại duyên khởi”. (34-704~705) Định nghĩa về Minh Thể như thế, nếu xét về Minh điểm trong Trung mạch do quán tưởng mà thành thì Minh điểm trong Trung mạch không phải là Như Lai Tạng nữa, vì Như Lai Tạng không phải là pháp bị sinh, không phải là do Tâm ý thức giác tri quán tưởng mà thành, nếu không thì Như Lai Tạng mà Mật tông nói đến sẽ thành pháp sinh diệt hữu vi rồi. Các thày Mật tông lại luôn nói rằng Như Lai Tạng là Minh Thể, lại thường nói Minh Thể tức là Tâm giác tri nhất niệm bất sinh và có thể quán tưởng. Minh Thể nếu là Tâm giác tri có thể quán tưởng, thì Tâm giác tri thực tế chỉ là Ý thức, nó dựa vào sự tiếp xúc giữa Ý căn và Pháp trần mà do Như Lai Tạng sinh ra, thì Tâm giác tri Minh Thể chính là pháp bị sinh dựa vào pháp khác mà sinh khởi. Đã là pháp bị sinh, thì “Minh Thể Như Lai Tạng” của Mật tông chính là pháp có sinh có diệt, vì Minh Thể như thế không phải là Như Lai Tạng hiển hiện bất cứ lúc nào mà bên Hiển giáo chứng ngộ được, vì nó chỉ xuất hiện trong Tâm giác tri lúc quán tưởng mà thôi. Cho nên, việc Mật tông coi Minh Thể là Như Lai Tạng sẽ dẫn tới vô số sai lầm, vì thế không nên làm trái ý chỉ của Phật để xây dựng riêng một cái Minh Thể làm Như Lai Tạng, mà phải dựa vào lời dạy của Phật trong các kinh Tam thừa nhận định Thức thứ tám A Lại Da chính là Như Lai Tạng, nhận định cái “Thức” trong “Danh Sắc duyên Thức” chính là Như Lai Tạng, sau đó tinh tấn tham thiền mà tu chứng lấy nó. Một khi đã chứng được Thức thứ tám Như Lai Tạng, là có thể hiện tiền chứng nghiệm chân nghĩa của Như Lai Tạng, là có thể tự thông kinh nghĩa của Bát Nhã, không cần người dạy nữa. Nếu gặp được bậc chân thiện tri thức, theo họ học Nhất thiết chủng trí, quảng tu tư lương phúc đức, tận tâm tận lực hộ trì chính pháp liễu nghĩa của Phật, phát Thập vô tận nguyện, thì một đời có thể tiến vào Sơ địa, là sẽ đi qua được đại a tăng kỳ kiếp đầu tiên, còn gì vui sướng hơn! Còn nếu đem A Lại Da thức và Như Lai Tạng một chia làm hai như các thày Mật tông từ xưa đến nay, lại dẫn dắt sai lầm chúng sinh hiểu sai về pháp nghĩa thực sự của Như Lai Tạng, thì sẽ khiến cho pháp nghĩa của Phật giáo bị chia lìa, tan vỡ, dù có tinh tấn tu hành một đời cũng chỉ là công dã tràng xe cát. Thậm chí còn gây ra đại ác nghiệp phá pháp – vọng ngôn nói Minh Thể tức là Như Lai Tạng, hoặc vọng ngôn nói Tâm giác tri vô vọng niệm chính là Như Lai Tạng, sẽ trở thành người phá hoại chính pháp của Phật, tự trồng quả báo thảm khốc cực nặng trong vô lượng kiếp tương lai, há chẳng oan uổng lắm ư? Cho nên, các Phật tử chớ có học theo các thày xưa nay của Mật tông – đem Như Lai Tạng và A Lại Da thức một chia làm hai, sau đó đứng ngoài Như Lai Tạng A Lại Da thức thực sự để tìm cầu một Như Lai Tạng khác. Nếu có thể làm được như thế, thì muốn cầu chứng ngộ Bát Nhã mới có hy vọng được. Nếu không làm được như vậy, lại đứng ngoài Thức thứ tám để cầu chứng Như Lai Tạng, thì tu vĩnh kiếp cũng không ngộ, cuối cùng lại rơi vào trong tà kiến của ngoại đạo, đâu chỉ mãi mãi trầm luân trong bể khổ sinh tử, còn vì thành tựu trọng tội phá pháp mà bị đọa xuống địa ngục. Các thày Mật tông từ cổ chí kim đều không hiểu được đạo lý chân thực Trung Quán và Bát Nhã không hai, Trung Quán và Duy Thức không hai, Hiển giáo và Mật giáo không hai, chỉ hiểu được nghĩa lý bề ngoài của các danh tướng (danh từ) Phật pháp, bèn tự cho rằng mình đã hiểu được ý Phật, rồi đem tông nghĩa Duy Thức mà mình đã hiểu sai ra để nói rằng mình đã biết được chính nghĩa của Duy Thức. Do hiểu sai về tông nghĩa của Duy Thức, lại vì tông nghĩa Duy Thức ắt sẽ khiến cho tà kiến của Mật tông bộc lộ hoàn toàn nên họ bèn ra sức bài xích tông nghĩa Duy Thức, vu rằng tông nghĩa Duy Thức chỉ là pháp bất liễu nghĩa. Bằng thủ đoạn đó, họ đã khiến cho người học chán ghét chính nghĩa vi diệu thâm ảo của Duy Thức, dẫn đến lìa xa diệu pháp Duy Thức, không chịu tu học Duy Thức nữa. Như thế thì Mật tông sẽ không còn bị pháp nghĩa Chủng trí của Duy Thức gò trói nữa, vì vậy tất cả những người học sau khi chứng được “Tất địa” trong pháp môn của Mật tông, sẽ không có ai tự mình kiểm nghiệm bằng Nhất thiết chủng trí của pháp nghĩa Duy Thức, nhờ thế mà sự tà trái, hoang đường, bại hoại của pháp nghĩa Mật tông sẽ không bị phơi bày ra nữa. Thế nhưng, những hành vi đó của Mật tông kỳ thực lại tự mâu thuẫn với chính mình, tất sẽ bị bậc trí giả phát hiện và phá bỏ, vì trái ngược với nội dung tu học trí tuệ Bát Nhã Phật pháp và chứng lượng của họ. Ví dụ, Tông Khách Ba nói thế này: “…Đạo của các bổ đặc già la (chúng sinh) này, tức là hướng đến Đại thừa của Nhất thiết chủng trí. Đại thừa Ba La Mật Đa, đạo này tổng thể chỉ có thế thôi. Ở đây đem kiến giải phân chia làm hai phần là các thày Trung Quán và các thày Duy Thức. Thế nhưng hai loại thày đó, không thể nói rằng họ “Thừa có bất đồng, nên Thừa duy nhất”. Vì thực nghĩa có tận, chưa tận, cho nên biết rằng nhóm trước (thày Trung Quán) là lợi căn, nhóm sau (thày Duy Thức) là độn căn. Ba La Mật Đa thừa này (Ý Tông Khách Ba nói người tu chứng Đại thừa là Bát Nhã Ba La Mật Đa thừa), chính là tuyên thuyết cho các thày Trung Quán. Các thày Duy Thức thì được họ kiêm nhiếp cả căn cơ dung thường… “Đế giả phẩm” cũng chỉ rõ vấn đề này, nói: “Này Man Thù Thất Lợi! Nếu Như Lai chỉ tuyên thuyết Đại thừa cho một loại hữu tình, tuyên thuyết Độc Giác thừa cho loại hữu tình khác, tuyên thuyết Thanh Văn thừa cho loại còn lại, thì Tâm Như Lai không phải là Tâm thanh tịnh, không phải là Tâm bình đẳng, có sự chấp pháp, lòng đại bi thiên lệch, suy tưởng dị biệt lỗi lầm. Ta cũng sẽ thành kẻ tiếc pháp. Này Man Thù Thất Lợi! Ta tuyên thuyết các loại pháp cho chúng sinh hữu tình, tất thảy như thế đều nhằm để đắc Nhất thiết chủng trí, hướng đến Bồ Đề, nhập vào Đại thừa, thành tựu Nhất thiết chủng trí, cho đến nhất cực. Cho nên, ta không có an lập thừa nào khác”. (21-10~13) Qua đoạn văn này, (chúng ta) có thể thấy rõ Tông Khách Ba hoàn toàn không hiểu gì về Phật pháp cả. Bởi Nhất thiết chủng trí là trí tuệ cứu cánh nhất mà chư Phật chứng được, người viên mãn trí tuệ này thì mới bắt đầu nhập vào Phật vị cứu cánh. Tất thảy pháp thế xuất thế gian không có pháp nào vượt qua được pháp này, Bát Nhã Trung Quán, Bát Nhã Duy Thức đều nằm trong nội dung của Nhất thiết chủng trí, không thể có trí tuệ nào vượt qua khỏi trí tuệ này. Thế nhưng, trí tuệ Trung Quán chỉ là Tổng tướng trí và Biệt tướng trí trong Bát Nhã mà thôi. Mà điều này phải dựa vào việc chứng đắc Tâm Thức thứ tám A Lại Da thì mới hiện quan được trí tuệ do tính Trung đạo của nó tạo ra. Nhất thiết chủng trí thì phải dựa vào “trí tuệ Trung Quán Bát Nhã sinh khởi nhờ chứng đắc Như Lai Tạng” làm nền móng, thì sau mới có thể tu chứng nó được, không phải là trí tuệ mà bậc phàm phu chưa chứng ngộ trí tuệ Trung Quán có thể tu và chứng được. Vì sao vậy? Là vì trí tuệ Trung Quán này là trí tuệ có được nhờ sự hiện quan tính Trung đạo của Tâm Thức thứ tám, sau khi hiện quan thì mới được sinh khởi, mới được gọi là trí tuệ Trung Quán. Thế nhưng, trí tuệ này còn thô thiển, không thể giúp hành giả hiểu biết được tất thảy mọi Chủng tử (Chủng tử còn gọi là Giới, hay là Sai biệt công năng) tàng chứa trong Thức thứ tám, phải đợi sau khi nhân duyên chín muồi thì mới gặp và theo bậc đại thiện tri thức để tiến tu Nhất thiết chủng trí. Cho nên, cần phải biết rằng Nhất thiết chủng trí chính là đích thân chứng được trí tuệ hiểu biết về Nhất thiết chủng tử (tất cả mọi chủng tử) – tất cả mọi Sai biệt công năng trong Thức thứ tám. Qua đó có thể thấy rằng, người muốn chứng được Nhất thiết chủng trí thì trước hết bắt buộc phải chứng được Bát Nhã Trung Quán đã, nếu không thì không thể nào tu chứng Nhất thiết chủng trí được. Nhất thiết chủng trí là trí tuệ được tu tập sau khi người của Duy Thức tông chứng ngộ, không phải là thứ mà người chưa ngộ có thể chân tu. Nếu người nào mà chưa ngộ được Tâm Thức thứ tám thông qua pháp của Thiền tông, sau đó quán tu “Trung Quán Biệt tướng trí” nói trong kinh Bát Nhã thì Trung Quán Bát Nhã mà họ quán tu chỉ là “Bát Nhã tương tự”, “Trung Quán tương tự”, không phải là Bát Nhã thực sự, Trung Quán thực sự. Người chưa ngộ được Như Lai Tạng, mà thực hành quán tu Chủng trí trong Duy Thức, thì Chủng trí Duy Thức mà anh ta tu học chỉ là sự huân tập, không phải là tu chứng thực sự. Duy Thức học chính là Tăng thượng huệ học nói trong các kinh Tam chuyển pháp luân. Cho nên, về ý chỉ thực sự của Duy Thức, phải đợi hành giả sau khi chân ngộ, hoàn thành Trung Quán được quán tu bởi Biệt tướng trí Bát Nhã thì mới có thể tu chứng. Thứ tự tu đạo vốn dĩ là như thế, thì vì sao Tông Khách Ba có thể nói nội dung hàm nhiếp trong Trung Quán tông là của người lợi căn, còn căn cơ hàm nhiếp trong Duy Thức tông là của người độn căn? Lẽ nào trí tuệ ở địa trên (cảnh giới trên) là của người độn căn, còn nào trí tuệ ở địa dưới (cảnh giới dưới) là của người lợi căn? Tuyệt đối không thể có lý đó! Phản quan “chứng lượng” của Tông Khách Ba, thấy ông ta còn chưa thể chứng được Thức thứ tám (vì phủ định Thức thứ tám A Lại Da) thì biết ngay rằng ông ta căn bản còn chưa chứng được “trí tuệ Tổng tướng” của Bát Nhã Trung Quán – vì trí tuệ Bát Nhã Trung Quán lấy việc chứng đắc tính Thức thứ tám làm thể. Tổng tướng trí của Bát Nhã Trung Quán còn chưa chứng được, thì sao có thể biết được Biệt tướng trí nói trong kinh Bát Nhã? Vì thế mà Tông Khách Ba mỗi lần giải thích Không tính Bát Nhã bằng Không tướng nghĩa của Uẩn Xứ Giới “tất thảy pháp Duyên khởi tính không đứng ngoài Như Lai Tạng” thì đều khác xa những gì Phật đã tuyên thuyết. Tông Khách Ba vì chưa chứng được Tổng tướng trí Không tính của Bát Nhã, nên (chúng ta) biết ngay là ông ta chắc chắn cũng chưa thể chứng được Biệt tướng trí, thì đương nhiên ông ta không thể nào biết gì về Nhất thiết chủng trí. Một kẻ phàm phu không biết gì về Tổng tướng trí, Biệt tướng trí, Nhất thiết chủng trí của Bát Nhã như thế mà lại dám bình loạn về chính lý của Trung Quán và Chủng trí Duy Thức, đúng là chuyện chưa từng thấy! Tông Khách Ba chưa hề chứng được chân nghĩa Bát Nhã của Đại thừa Ba La Mật Đa mà lại nói mình có thể chứng và đã chứng được Mật pháp vô thượng còn thắng diệu hơn cả Đại thừa, là pháp chân thực, như thế liệu có thể tin được không? Mật pháp vô thượng đã cao hơn cả các pháp Đại thừa, thì tức là pháp ở địa trên. Người chứng được pháp ở địa trên thì tất nhiên phải biết được nội dung của pháp ở địa dưới. Thế nhưng, hiện quan thày trò Mật tông như Tông Khách Ba đều hiểu sai về trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật Đa của Đại thừa ở “địa dưới”. Không biết gì về pháp “hạ thừa” Đại thừa, mà nói họ đã chứng được pháp còn cao siêu hơn cả Đại thừa, thì chứng tỏ Mật pháp vô thượng của họ không phải là Phật pháp. Mật pháp vô thượng của Mật tông nếu như là Phật pháp thực sự, mà lại còn thắng diệu hơn cả pháp của Đại thừa, thì các thày Mật tông không nên hiểu sai về pháp Đại thừa đến mức hoàn toàn không hiểu gì mới phải. Qua đây có thể thấy, pháp Đại thừa mà Mật tông nói đó chỉ là “pháp Đại thừa tự mình cho là hiểu biết” của họ mà thôi, tuyệt đối không phải là pháp Đại thừa mà Phật dạy. Thế nhưng, những gì tôi nói trong sách này không hề có ý nói các thày Trung Quán chân chính là người độn căn, mà nói hành giả Bát Nhã có thể chân ngộ được Thức thứ tám mà chứng được trí tuệ Trung Quán mới là thày Trung Quán chân chính. Những người như thế, trí tuệ của họ thâm sâu, không phải là thứ trí tuệ mà các A La Hán Thanh Văn có thể biết được, cho nên tuyệt đối không phải là người độn căn. Còn người có thể chứng được Nhất thiết chủng trí (ở Bồ Tát vị gọi nó là Đạo chủng trí) ngay trong đời này thì càng không phải là người độn căn, vì trí tuệ của anh ta còn vượt xa hơn cả các thày Trung Quán chứng ngộ thực sự. Còn Tông Khách Ba chẳng hề hay biết gì về các chính lý này, không khác gì so với phàm phu tục nhân, cho nên những gì Tông Khách Ba nói đều không thật, không thể tin theo được. Phật đến nhân gian để độ chúng sinh, mục đích tối cao cuối cùng chính là để chúng sinh nhập vào Phật trí. Phật trí thì lấy Nhất thiết chủng trí làm tổng thể, còn trí tuệ giải thoát của Đại Bát Niết Bàn và Tứ trí như Đại Viên Kính trí…đều nằm trong đó, tất thảy mọi trí tuệ thế gian, xuất thế gian đều không thể vượt trên Nhất thiết chủng trí. Thế nhưng, vì căn tính của chúng sinh khác nhau, còn Phật Bồ Đề trí lại vô cùng thâm sâu, khó hiểu, khó chứng, cho nên mới bày đặt ra trí tuệ giải thoát của Thanh Văn, để họ chứng được quả Giải thoát trước. Sau khi chứng được quả Giải thoát rồi, (các đệ tử Thanh Văn) mới có đầy đủ lòng tin với Phật, thì Phật mới dẫn nhập vào trong pháp Đại thừa, dần dần từng bước hướng đến đạo Đại Bồ Đề mà các Bồ Tát phải tu trường kiếp dài lâu mới có thể thành tựu. Các pháp Nhị thừa mà Phật từng tuyên thuyết, ý là ở chỗ này, chứ không phải là vì có tư tâm, tiếc pháp hay tâm bất bình đẳng mà chỉ nói pháp Nhị thừa cho những người ở Sơ chuyển pháp luân đâu. Như đoạn kinh văn mà Tông Khách Ba trích dẫn ra, nói rằng “Ta (Phật) tuyên thuyết các loại pháp cho chúng sinh hữu tình, tất thảy như thế đều nhằm để đắc Nhất thiết chủng trí, hướng đến Bồ Đề, nhập vào Đại thừa, thành tựu Nhất thiết chủng trí, cho đến nhất cực”, qua đó có thể thấy các pháp của đạo Giải Thoát mà Nhị thừa phải tu do Phật tuyên thuyết đầu tiên chỉ là các pháp phương tiện để dẫn nhập vào Đại thừa, mục đích vẫn là để họ dần dần tiến vào trí tuệ Bát Nhã của Nhất thiết chủng trí. Mà trí tuệ Bát Nhã của Nhất thiết chủng trí chính là trí tuệ về tất thảy mọi Chủng tử của Bát thức Tâm vương nói trong kinh Duy Thức. Câu nói “muốn để tất cả mọi đệ tử tu học trí tuệ Chủng trí Duy Thức ở giai đoạn cuối cùng, thành tựu Nhất thiết chủng trí, cho đến nhất cực” đã chứng tỏ rõ Chủng trí Duy Thức là trí tuệ tối cao của tất thảy Phật pháp, không có trí tuệ nào vượt trên nó nữa. Tông Khách Ba không biết gì về Nhất thiết chủng trí, không chứng được Tổng tướng trí Bát Nhã, không thể biết được nội dung của nó, cho nên đọc xong lời Phật trong đoạn kinh văn này đã hiểu sai lại còn phủ định nó, đồng thời trích dẫn nó, viết thành sách, nay trở thành chứng cứ chứng minh ông ta chưa hề ngộ Bát Nhã. Lại nữa, trong đoạn kinh văn “Tất thảy như thế đều nhằm để đắc Nhất thiết chủng trí, hướng đến Bồ Đề, nhập vào Đại thừa, thành tựu Nhất thiết chủng trí, cho đến nhất cực. Cho nên, ta không có an lập thừa nào khác” mà Tông Khách Ba trích dẫn lời Phật trên, Phật đã nói rõ ràng rằng: Ngoại trừ đạo Giải Thoát của Nhị thừa và đạo Phật Bồ Đề của Đại thừa ra thì không có Phật pháp nào khác. Vì sao vậy? Bởi trong đoạn kinh văn này, Phật đã cho biết: “Ngoại trừ Nhất thiết chủng trí ra thì ta không có an lập thừa nào khác”. Nhất thiết Chủng trí đã là pháp tối cứu cánh rồi thì ngoại trừ Nhất thiết Chủng trí ra, Phật không lập thêm một thừa nào khác, thì có thể chứng minh câu nói “Thày Trung Quán là người lợi căn, thầy Duy Thức là người độn căn” của Tông Khách Ba là trái giáo bội lý, đảo ngược với những gì Phật nói. Qua đây cũng có thể chứng minh câu nói “Trên Trung Quán Duy Thức của Đại thừa còn có Mật thừa vô thượng” của Mật tông chỉ là những lời nói giả dối, không thật. Từ lời Phật trên đây, có thể thấy rõ rằng Mật tông tuyệt đối không phải là pháp do Thích Ca Thế Tôn truyền dạy, bởi Phật đã nói trừ Nhất thiết Chủng trí ra, Phật không có lập thêm một thừa nào khác nữa. Thế nhưng pháp mà các thượng sư của Mật tông Thiên Trúc, cho đến thượng sư Liên Hoa Sinh giáo chủ Mật giáo Tây Tạng truyền dạy chỗ nào cũng rơi vào trong ngoại đạo kiến thường kiến, lại dính mùi tham trước dâm dục ở Dục giới, không lìa khỏi sự tham trước các pháp ở Dục giới, đều là pháp của phàm phu đúng nghĩa, thì sao có thể tin theo họ được? Người có trí sao không suy tư một chút, chẳng cần đến tái tam ba bận là có thể biết rõ ngay rồi. Từ lý lẽ chân thực này, có thể thấy những người thuộc các phái của Mật tông bài xích, nói Duy Thức tông là pháp bất liễu nghĩa đều là những kẻ không biết, không chứng ngộ Bát Nhã. Vì sao nói vậy? Bởi tất cả những người chứng ngộ thực sự chắc chắn đều sẽ dần dần hiểu rõ tông nghĩa của Duy Thức, đều sẽ dần dần từng bước hướng đến chính đạo tu học Nhất thiết Chủng trí của Duy Thức tăng thượng huệ học. Làm gì có người nào chứng ngộ xong, đã biết chắc chắn phải tiến tu Chủng trí Duy Thức mà lại còn bắt chước Tông Khách Ba cực lực phủ định Duy Thức, vọng nói Duy Thức là pháp bất liễu nghĩa? Tuyệt đối không có cái lý ấy! Từ đạo lý trên, có thể thấy chính lý của Duy Thức và Trung Quán đều là Bát Nhã trí, không có hai pháp, vì đều phải dựa trên chứng đắc và thể nghiệm Thức thứ tám mà có. Duy chỉ là sự khác biệt giữa ban đầu và sau này, và sự khác biệt về mức độ nông sâu, rộng hẹp mà thôi, bởi pháp thực chất là đồng một Tâm Thức thứ tám. Cho nên mới nói các thày Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông, tất cả những kẻ phủ định Chủng trí Duy Thức như Ấn Thuận, Tông Khách Ba, vọng nói: “Trung Quán mới là pháp liễu nghĩa cứu cánh, Duy Thức không phải là pháp liễu nghĩa cứu cánh” đều là những phàm phu chưa ngộ, (chúng ta) hoàn toàn không cần phải hoài nghi nhiều về điều này. Tất cả đệ tử Phật, những người muốn hiểu biết về Bát Nhã thì nên quay về với Thiền tông để cầu chứng ngộ. Chính “nhà đại tu hành Phật sống Nặc Na” của Mật tông cũng phải tôn sùng Thiền tông: “Thiền tông trong mắt của người Hán là Hiển giáo, tiên sư Nặc Na ấn chứng là Đại Mật tông. Nó cao trùm lên các pháp khác, tương đồng với Đại Viên Mãn của Hồng giáo. Theo thiển ý, thì tác phong truyền thừa của tông này không (chứng) lấy Bát Nhã bằng văn tự phổ thông, không dùng ngôn ngữ phổ thông để giải thích thắng nghĩa (của nó), tổ sư trực tiếp truyền bằng chứng lượng, đệ tử trực tiếp nhận bằng chứng lượng, còn cao hơn “bản dịch Đại Viên Mãn” một bậc. Bài giảng “Hoài Âm thoại nguyệt lục, Không tông Đại thủ ấn đại viên mãn Thiền tông biện vi” của tôi cũng đã luận chi tiết về nó rồi”. (34-778) Thế nhưng, nội dung đốn ngộ mà Mật tông nói lại chỉ là Tâm giác tri Minh thể, Minh điểm và Minh Không bất nhị, coi Tâm giác tri trong các cảnh giới đó là Chân Như. Còn cái sở ngộ của người chứng ngộ thật sự trong Thiền tông quả thực không phải cái gọi là Minh thể của Mật tông, cũng không phải là Tâm giác tri trong cảnh giới “Minh Không song vận” mà Mật tông vẫn nói. Trong số các thượng sư Mật tông, tuy cũng có người biết được sự thắng diệu của Thiền tông, nhưng đều chỉ là sự hiểu biết thông qua suy đoán, đều dựa vào Tâm ý thức do những người ngộ sai trong Thiền tông nói ra làm chứng, đều không phải là hiểu được trí tuệ Bát Nhã của người chứng ngộ thật sự, huống hồ là có thể biết được Biệt tướng trí và Nhất thiết Chủng trí tiến tu sau khi ngộ? Từ việc không thể biết “Nhất thiết Chủng trí chính là Chủng trí học của Duy Thức phải tiến tu sau khi chứng ngộ”, cho nên họ đã hiểu sai về Duy Thức, thậm chí cộng thêm tà kiến lý giải qua sự ức tưởng, suy đoán mà phỉ báng, nên đều đã thành tựu trọng đại ác nghiệp phỉ báng chính pháp, bởi Chủng trí Duy Thức chính là pháp tối cứu cánh trong Phật pháp, là Nhất thiết Chủng trí mà các Bồ Tát (ở quả vị) chư địa phải tiến tu. Về những người phủ định Thức thứ tám Như Lai Tạng, trong “Lăng Già Kinh”, Phật đã nói họ là người Nhất xiển đề, mà người Nhất xiển đề có nghĩa là “người đã đoạn thiện căn”. Phật nói nếu có người phỉ báng Thức thứ tám, nói Thức thứ tám không tồn tại, thì những người đó “nói lời như thế xong, tất cả mọi thiện căn đều đoạn, trở thành người Nhất xiển đề”. Người phủ định Thức thứ tám đã là người Nhất xiển đề rồi, thì những người đem pháp hư vọng thay thế cho pháp Thức thứ tám như các thượng sư Mật tông, lại dạy người khác đem pháp hư vọng bày đặt đó làm Thức thứ tám Như Lai Tạng đều là những người Nhất xiển đề phá pháp. Hành vi đem pháp ngoại đạo thay thế cho chính pháp của Phật giáo của Mật tông Tây Tạng đã thành tựu trọng tội Nhất xiển đề. Cho nên, tất cả mọi người học Phật chớ có dại mà học theo các thày của Mật tông, học theo Ấn Thuận vọng ngôn phỉ báng Tâm Thức thứ tám Như Lai Tạng là pháp không thật duy chỉ có tên gọi bày đặt phương tiện; cũng chớ có bắt chước Mật tông đem Minh điểm quán tưởng thay thế cho Thức thứ tám Như Lai Tạng của Phật giáo, để tránh thành tựu đại ác nghiệp phá hoại chính pháp liễu nghĩa của Phật giáo, trở thành người tự đoạn thiện căn, để tránh lúc xả báo hối hận không kịp nữa.
[1] Chú thích của người dịch: Liên Bang là tên gọi khác của thế giới Cực Lạc, còn gọi là Tây phương Cực Lạc, An Lạc quốc, Tây phương Tịnh Độ… [2] Chú thích của người dịch: “dưới địa” là chỉ cảnh giới dưới Sơ địa trong Thập địa của 52 quả vị tu hành trong Đại thừa. [3] Chú thích của người dịch: “trên địa” là chỉ cảnh giới từ Sơ địa trở lên. Từ đây tu cho đến khi thành Phật còn 2 đại a tăng kỳ kiếp nữa. [4] Chú thích của người dịch: Tức là Kiến hoặc và Tư hoặc.
Lượt xem trang: 31488 |
Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |