Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |
CHƯƠNG 17: TỔNG KẾT Tiết 1: Nghĩa lý Kim Cương thừa của Mật tông |
CHƯƠNG 17: TỔNG KẾT
Tiết 1: Nghĩa lý Kim Cương thừa của Mật tông Về nghĩa lý Kim Cương thừa của Mật tông, như Tông Khách Ba nói: “Nên dựa vào lời trong ‘Chưởng Hoa luận’, nói rằng: ‘Kim Cương thừa là chỉ nhiếp thụ tất thảy Đại thừa không chút dư thừa làm Lục ba la mật đa. Tổng nhiếp chúng gọi là huệ phương tiện (Việc tổng nhiếp Lục ba la mật đa nghĩa là: tổng nhiếp Lục độ bằng huệ phương tiện của Song thân pháp). Nó lại nhiếp thành Nhất vị gọi là Bồ Đề tâm (Song thân pháp đó lại thu nhiếp thành Nhất vị, tức là chỉ Minh điểm Bồ Đề tâm và tinh dịch Bồ Đề tâm), cũng là Kim Cương tát đỏa Tam ma địa (Mật giáo nhờ Song thân pháp mà có thể thành tựu đại lạc ‘thường trụ bất hoại’, vì thế mà Lạc Không song vận để thường trụ bất đoạn, gọi là Kim Cương tát đỏa Tam ma địa), tức là Kim Cương. Vì nó là Kim Cương cũng tức là thừa, cho nên gọi là Kim Cương thừa, đó là ý nghĩa của chú thừa’. Kim Cương tát đỏa du già ‘Phương tiện Trí tuệ hòa hợp vô biệt’ (Nhờ có thiện xảo phương tiện của Dũng Phụ khiến cho không xuất tinh, cùng với nữ âm của Minh Phi có thể khiến cho người ta chứng được Lạc Không song vận, hoặc Không Hành Mẫu có thể dạy cho nam hành giả chứng được trí tuệ Lạc Không song vận, cả hai thứ Không và Lạc chứng được đó đều không khác nhau, gọi là Phương tiện Trí tuệ hòa hợp vô biệt. Nhờ Kim Cương du già nam nữ đó – hành Song thân pháp), tức là Kim Cương thừa (đó chính là cái thừa của Kim Cương), ở đây có hai vị đạo quả (tu hành pháp Kim Cương thừa này có hai loại quả vị là tu đạo vị và cứu cánh Phật quả). Vì thiện xảo phương tiện lớn hơn Ba la mật đa thừa, cho nên gọi là Phương Tiện thừa. Cuốn ‘Trừ nhị biên luận’ cũng nói: ‘Nhờ vô phân biệt, tức quả là đạo; phương tiện quảng đại, vì tối bí mật, nên gọi là Kim Cương thừa, Quả thừa, Phương Tiện thừa, Bí Mật thừa’” (21-14~15). Nghĩa lý về Kim Cương của Mật tông mà Tông Khách Ba nói đó, về bản chất chỉ là pháp hữu vi sinh diệt luân đọa, không thể gọi là Kim Cương được, vì pháp Lạc Không không phải là pháp thường hiện bất đoạn trước khi chưa tu, không như Thức thứ tám “cho dù là tu hay chưa tu, đều thường trụ và luôn hiện hành bất đoạn”; Nó cũng không phải là pháp biến nhất thiết giới (lan khắp mọi giới), biến nhất thiết thức (lan khắp mọi thức), biến nhất thiết địa (lan khắp mọi nơi). Dâm lạc đã không phải là pháp hằng biến nhất thiết thời, biến nhất thiết giới, biến nhất thiết địa như Thức thứ tám A Lại Da thì không thể gọi nó là Kim Cương được, không thể gọi nó là diệu lạc bất biến được. Bồ Đề tâm trong Hiển giáo chính là tâm Kim Cương, lấy Thức thứ tám làm tâm Kim Cương, vì thể tính của Thức thứ tám thường trụ bất hoại, cũng không ai có thể phá hủy được, nên gọi là Kim Cương. Bồ Đề tâm trong Mật giáo thì lại có ba pháp: Đó là Minh điểm do quán tưởng mà thành, Minh điểm vật chất (tinh dịch) và Ý thức nhất niệm bất sinh, chứ không phải là Tâm Thức thứ tám thường trụ bất hoại mà Phật nói, không phải là gốc rễ Pháp giới của hữu tình. Thắng nghĩa Bồ Đề tâm mà Mật tông họ nói là Tâm giác tri ý thức trong Đệ tứ hỷ dâm lạc, không phải là Thức thứ tám Kim Cương tâm mà Phật thuyết. Mật tông lập riêng cái Lạc trong Lạc Không bất nhị và Tâm giác tri làm trung tâm của pháp Kim Cương, thế nhưng cái “Kim Cương” đó chỉ là pháp duyên sinh duyên diệt, không thể lập nó thành Kim Cương được. Mật giáo lấy pháp sinh diệt dâm lạc đó để làm tư tưởng trung tâm cho lý luận của mình, các hành môn phải tu cũng hoàn toàn dựa vào đó để hành, để tu, để chứng, tức là lấy toàn bộ pháp sinh diệt hữu vi làm trung tâm của lý luận và pháp môn tu hành của Mật giáo, thì không thể gọi nó là Kim Cương thừa được. Hành môn Lạc Không bất nhị, Lạc Không song vận hữu vi hư vọng, duyên sinh duyên diệt như thế cũng chính là pháp khiến cho người ta rơi vào trong phiền não thô nặng nhất của Dục giới, mãi mãi tuyệt duyên giải thoát, thế mà Tông Khách Ba lại xảo biện thành diệu pháp lấy dục ngừa dục, đặt cho nó cái tên mỹ miều là Kim Cương thừa, rồi cuồng ngôn nói Mật giáo có thể tổng nhiếp Lục ba la mật của Đại thừa. Kỳ thực đó chỉ là nói suông, tuyệt đối không có ý nghĩa thật sự nào. Cái gọi là “phương tiện” mà Tông Khách Ba nói kỳ thực lấy những trò khôn vặt, kỹ năng làm tình của thế tục “kéo dài thời gian hưởng lạc mà không xuất tinh” trong hành dâm làm phương tiện, thật đúng là kẻ lấy tùy tiện làm phương tiện. Như thế mà nói đó là Phương Tiện thừa, hoàn toàn không phải là lời nói chân thật. Những nội dung về Kiến, Tu, Hành, Quả của Mật giáo và cả “tu chứng” của họ đều là hư vọng, tuyệt đối không phải là pháp do Phật tuyên thuyết. Độc giả có thể xem chi tiết trong các Tiết, các Chương của cuốn sách này là biết ngay. Qua tri kiến của Mật tông mà Thượng sư Trần Kiện Dân nói cũng có thể thấy sự hư vọng của nó: “Vì sao Hiển giáo phải cần đến ba đại a tăng kỳ kiếp, mà Mật giáo thì chỉ cần thân này đời này là có thể thành tựu viên mãn, đạt được cả sự nghiệp lợi tha cứu cánh? Thông qua việc liệu có khế hợp, liệu có vận dụng linh hoạt nguyên lý cơ bản này cũng có thể làm thước đo dùng để phê bình Viên mãn thứ đệ của các Bản tôn bản tiếng Trung dịch ra từ tiếng Tạng. Trong Hiển giáo, như Hoa Nghiêm tông tự xưng là Viên giáo, nói tràn lan về khởi dụng toàn thể, toàn dụng tại thể. Sư tử đấu hổ cũng dùng toàn lực, sư tử vật thỏ cũng dốc toàn sức, nhưng chỉ là giương cao cái lý của mình chứ không có cái thực chất khả thi (có thể thực chứng). Mọi việc đều trở ngại, chỉ dẻo ở miệng lưỡi, không thể vận dụng toàn bộ nó vào các mục tu hành, mà cũng có thể sinh ra chứng lượng sự sự vô ngại. Nếu có, thì chỉ là có trong Vô thượng yoga của Mật pháp mà thôi, cho nên Hoa Nghiêm tông cũng có Mật trong Hiển đáng tán thán. Phật Đà bằng kinh nghiệm quả vị của mình, trực tiếp truyền cho các đệ tử hữu duyên mà mình lựa chọn, dạy cho họ diệu pháp trong một giai đoạn thành Phật quả vị. Cũng giống như chặt cây vậy, nhát dao cuối cùng vận sức như thế nào, chặt đứt như thế nào. Ví dụ, pháp tu của Hoa Nghiêm tông không có quán đỉnh, thế nhưng phương tiện đầu tiên của Mật tông là có pháp quán đỉnh. Trước kết đem thân trí tuệ Bản tôn có tính đại diện do trí tuệ Phật Đà kết tinh lại dẫn nhập vào trong tâm đệ tử, thì Phật tính vốn có của đệ tử bỗng chốc khai phát toàn bộ không dư thừa, dung hòa hợp nhất với thân Bản tôn trí tuệ này. Đệ tử khi đó có tư cách bản thể và thân phận giống như Phật. Giống như sinh ra ở hoàng cung mà làm thái tử, nhất cử nhất động, một câu một lời, đều liên quan đến đại cục cả nước. Đó chính là sự mở đầu của khởi dụng toàn thể, toàn dụng tại thể. Thử hỏi: Khi đó lúc Thiện Tài đồng tử lĩnh hội Hoa Nghiêm viên giáo, có được cái linh cảm này không?” (34-27, 28). Thế nhưng những lời nói như thế chỉ là sự cuồng vọng vô tri của các nhà đại tu hành Hiển Mật giáo mà thôi. Đừng nói đến ý chỉ quảng đại thâm diệu của Hoa Nghiêm, ngay cả ý chỉ của kinh điển Bát Nhã mới nhập Thực Tướng thôi, thì các thượng sư Mật giáo xưa nay còn không đủ sức biết một tí gì, huống hồ là tu chứng? Thế mà họ lại đem thân phàm phu ra để vọng bình về sự tu chứng của đại sĩ Thiện Tài trong Hoa Nghiêm, thật không phải là lời của kẻ có trí tuệ. Chiểu theo lời lẽ trong đoạn văn của Mật giáo này, thì thấy rằng Mật giáo nhất quán đem tà kiến ra để vọng thuyết Phật pháp. Ở đây muốn nói Chân Tâm của chúng sinh và Phật Tâm đều là Thức thứ tám Kim Cương Tâm, xưa nay chưa từng sinh chưa từng diệt, không tăng không giảm, thì sao trong các “Kinh Tục” của Mật giáo lại nói nó (Chân Tâm của chúng sinh) có thể sát nhập với Phật Tâm? Giả sử được như thế đi chăng nữa, thì tức là thành pháp có sinh có diệt, có tăng có giảm rồi, như vậy thì sẽ trái ngược với các kinh Bát Nhã và nội dung của “Tâm Kinh”. Lại nữa, cảnh giới mà kinh Hoa Nghiêm nói đích xác có thể thực chứng được. Nhưng chỉ vì Phật răn, không thể khinh suất tiết lộ Mật ý, cho nên những người đã chứng đều không nói rõ ra thôi, chứ tuyệt đối không phải là hư ngôn “chỉ là giương cao cái lý mà không có thực chứng” như Mật tông nói đâu. Xem lại câu “chỉ có trong Vô thượng yoga của Mật pháp mới có cái thực chất của sự hành” của Mật tông, kỳ thực Mật pháp hoàn toàn không có thực chất sự hành (thực chứng) về mặt thân chứng Phật Bồ Đề, mà chỉ là mượn dùng điển cố Bà Tu Mật Đa trong Hoa Nghiêm để chứng minh cho Song thân pháp Vô thượng yoga của Mật giáo (được đứng vững) mà thôi, ngược lại còn vu oan cho các Bồ Tát của Hiển giáo như đại sĩ Thiện Tài trong Hoa Nghiêm là “những người không có thực chất tu chứng”. Thế nhưng cái mà khiến người ta thực chứng được trong dâm hành của tôn giả Bà Tu Mật Đa trong Hoa Nghiêm lại là Thức thứ tám Thực Tướng tâm vốn không hề tương ứng với dâm xúc. Mật giáo chỉ nhìn thấy được sự thị hiện bề ngoài của tôn giả Bà Tu Mật Đa để rồi bắt chước ngài, từ đó quảng truyền Song thân pháp, nhưng những gì họ truyền lại là Ý thức và pháp môn tham trước cảm thụ dâm xúc, sự cách biệt ở đây đâu chỉ có ngàn vạn dặm? Qua đó có thể thấy, Mật tông hoàn toàn không biết, cũng không hiểu gì về chân ý của tôn giả Bà Tu Mật Đa trong kinh Hoa Nghiêm vậy. Như vậy, Mật giáo từ đầu cho đến cuối đều lấy dâm xúc trong Song thân pháp và Tâm giác tri trong dâm lạc làm mục đích của tu chứng, hoàn toàn trái ngược với Phật đạo, cũng trái ngược với sự tu chứng của đạo Giải Thoát Nhị thừa. Thế mà họ lại dám tự xưng là Kim Cương thừa, lại còn hạ thấp sự chân tu thực chứng của các Bồ Tát như đại sĩ Thiện Tài ghi trong kinh Hoa Nghiêm, đảo lộn đến như vậy đó. Qua những ví dụ nêu trên, tất cả mọi người học đều có thể hiểu ngay rằng: Chân Thực Nghĩa trong Kim Cương thừa của Mật tông mà Tông Khách Ba nói đến ở đây chính là chủ thể Tâm giác tri cảm thụ dâm lạc Đệ tứ hỷ trong Song thân pháp, đồng thời thể nghiệm Tâm giác tri trong cơn dâm lạc đó là không có hình sắc, cho nên gọi là Không tính; thể hội cái giác thụ (sự cảm nhận) dâm lạc cũng không có hình sắc, cho nên gọi là Không tính. Qua đó để nói rằng dâm lạc và Tâm giác tri bất nhị, tức là người chứng được Tâm Kim Cương, là người tu chứng quả địa. Người nào có thể tu luyện lâu dài mà không xuất tiết tinh dịch, có thể trụ lâu trong giác thụ dâm lạc của Đệ tứ hỷ thì anh ta có thể tức thân thành tựu “Báo thân Phật”. Với sự “tu chứng” như thế để có thể nói rằng: “Tâm giác tri thường hằng bất hoại, dâm lạc Đệ tứ hỷ thường hằng bất hoại, vốn dĩ nó đã có, cho nên tính của nó tựa như Kim Cương, cái lạc này gọi là Câu sinh lạc, chứng được trí tuệ Đệ tứ hỷ chí lạc tức là chứng được Câu sinh trí của Mật tông”. Tông Khách Ba nói: Mật giáo nhờ có sự tu chứng pháp này, cho nên gọi là Kim Cương thừa, đó chính là Chân Thực Nghĩa của Kim Cương thừa vậy. Lại nữa, việc tu chứng Phật Bồ Đề và đạo Giải Thoát thực chất không cần phải có quán đỉnh mới có thể tu chứng được. Còn sự tu chứng của pháp đạo Mật tông thì trước hết buộc phải được thượng sư Mật tông quán đỉnh cho thì mới có thể tu chứng. Thế nhưng, việc quán đỉnh mà Mật tông nói ở đây đều thuộc về hành vi hý luận, vì từ Bình quán đã bắt đầu lấy tu chứng dâm lạc trong Song thân pháp và Ý thức cảm nhận dâm lạc làm chủ thể tu hành, mà sự “tu chứng” như thế thực chất hoàn toàn không liên quan gì đến đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề. Cho nên, về ý nghĩa của Kim Cương trong Mật giáo, tên gọi và bản chất không khớp nhau, chỉ là thuyết dối đời trộm danh mà thôi. Mật giáo lại nói thế này: “Trong Mật đàn, đột nhiên hiện khởi đặc hiệu, việc này xưa nay đều từng có. Như Tất Ngõa Ba khi thụ quán đỉnh của Vô Ngã Mẫu, bỗng dưng hiện khởi công đức Bồ Tát lục địa, có ghi chép trong Mật điển. Khi thày truyền cho Mật chú quán Không, thì rõ ràng hiển hiện ra toàn pháp giới đều Không, không có một thân, một vật, một pháp nào; vạn tượng, vạn lo, vạn thế, vạn vật, không gì là không Không cả. Đó là vì đều thuộc bản thể Không tính vô ngã, như sữa hòa nhập vào sữa, không tạo thành hai dòng. Không chỉ có thể phá trừ một cách tiêu cực Ngã chấp dung tục của nhân thân do nghiệp lực chiêu cảm và quan niệm hạ liệt của phàm phu, mà còn có thể khai phát một cách tích cực Không tính vô ngã, Ngũ nhãn, Ngũ trí, Thập địa, Thập lực, tất thảy mọi đức tướng cụ thể của Phật tính. Cho nên, đại sĩ Liên Hoa Sinh vừa gặp lão tăng tên Tỳ Lô Giá Na, thì chỉ thẳng vị đó mà nói rằng: ‘Ông chính là Phật Đà viên mãn’, vị lão tăng đó cũng lập tức thừa nhận, và rồi cũng không cần sống qua hết cả cuộc đời này, mà thành Phật tại chỗ. Lại có Muội Lặc Cổ Mã của Na Lạc Ba chưa từng tu tập, nhưng sau khi được Phổ Hiền Như Lai hiện tiền quán đỉnh, viên mãn thành tựu Vô Tử Phật Đà tại chỗ…Sau này hành giả thông qua Bản tôn thân tu bất kỳ cúng dường gì cũng đều khởi dụng toàn thể, mà toàn dụng tại thể. Không gian không có lậu sót vật gì, thời gian cũng không thiếu sót một giây nào” (34-30, 39). Mật giáo tuy nói như vậy, những lời rêu rao rằng tổ sư của Mật giáo đã thành Phật đạo nhiều như lông bò, thế nhưng kẻ thành Phật mà họ nói đến kỳ thực đều rơi vào trong ngoại đạo kiến, căn bản chưa từng Kiến đạo, còn chưa thể nhập vào danh số Bồ Tát, huống hồ là thành Phật? Thực chất vẫn đều là phàm phu đúng nghĩa mà thôi. Ví dụ những người như Tất Ngõa Ba, Liên Hoa Sinh, lão tăng Tỳ Lô Giá Na…trong đoạn văn trên đều coi Minh điểm là A Lại Da thức, đều nhận Tâm giác tri ly niệm thụ lạc trong Song thân pháp là Chân Như ở Phật địa, đều coi Đệ tứ hỷ dâm lạc không hình không tướng trong Song thân pháp là Không tính. Sự “tu chứng” ngộ nhận như thế mà nói suông rằng “viên mãn thành tựu Vô Tử Phật Đà tại chỗ”, nói suông rằng “khởi dụng toàn thể, toàn dụng tại thể”, thật đúng là những lời lẽ vọng tưởng, không có chút thực nghĩa nào cả. Lại ví dụ như “Đạo quả - Kim Cương cú kệ chú” của Tất Ngõa Ba, như Không tính mà Liên Hoa Sinh nói trong các sách của ông ta, như A Lại Da thức (Minh điểm do quán tưởng thành), Chân Như ở Phật địa (Tâm giác tri thụ dâm lạc) nói trong các truyện ký ca quyết của Mật Lặc Nhật Ba vân vân, đều đọa vào trong thường kiến ngoại đạo pháp, còn chưa thể chứng được Bát Nhã trí của các Bồ Tát thất trụ trong Hiền vị, còn chưa thể đoạn được Ngã kiến mà các bậc Sơ quả Thanh Văn đoạn được (vì vẫn coi Tâm giác tri Ý thức ly niệm linh tri khi chứng thủ Lạc Không song vận làm Chân Như), đều chưa hề đoạn trừ Ngã kiến, vậy mà nói suông rằng đã đoạn được Ngã chấp, kỳ thực vẫn nằm trong ngoại đạo kiến, phàm phu vị. Vì thế, họ nói “khởi dụng toàn thể, toàn dụng tại thể” đều là những lời lẽ hư vọng, những gì họ “chứng” đều là pháp biến dị vô thường gián đoạn, thì sao có thể gọi là Kim Cương được? Tuyệt không có cái lý đó! Lại nữa, Mật tông còn nói thế này: “Trong tâm hành giả nên mãi mãi là ‘tất thảy pháp Không, Không An vô nhị vô biệt’, lúc tỉnh thì nên tu trì như vậy, trong mộng thì cũng thường xuyên tu Không, thì minh quang mới nhanh đến. Pháp tu thì giống như lúc tỉnh vậy. Cho đến tiến trình lúc tu, trước tiên vẫn phải tưởng rằng ‘ta chết vô thường’, sau đó tưởng ‘tất thảy pháp Không’, rồi lại tưởng ‘tự mình biến thành Bản tôn, chữ Hồng giữa tâm phóng quang, tất thảy tình khí thế hóa quang hòa nhập vào bên trong chữ Hồng này. Sau khi hòa nhập xong, ba nơi thượng trung hạ cơ thể mình cũng hòa nhập chui vào trong chữ Hồng này. Sau đó, bản thân chữ Hồng này từ dưới co lên trên, dần dần hóa quang (ánh sáng). Trước hết, chữ Ô dưới cùng hòa nhập vào trong chữ A, sau đó chữ A hòa nhập vào trong chữ Hắc, chữ Hắc lại hòa nhập vào trong vầng trăng non phía trên nó, trăng non lại hòa nhập vào trong mặt trời đỏ trên nó, mặt trời đỏ lại hòa nhập vào trong chữ Na Đả trên nó, cuối cùng chữ Na Đả dần co lên trên mà quy không’, như thế là tứ đại đều không rồi đó. Khi đấy, trong tâm như như bất động, không thủ không xả, hữu vô đều khiển, pháp ngã cả hai đều không rồi. Tu lâu như vậy, tâm quang tự sáng. Khi mới bắt đầu, đương nhiên chỉ có thể làm lúc tỉnh, nhưng sau khi tu lâu thành thói quen thì tự có thể biết trong giấc mơ, mơ cũng có thể tu không đấy. Nếu có thể đạt được tỉnh mộng như nhau, thì sau khi chết nhất định sẽ thành Phật không cần nghi ngờ gì cả” (62-255~256). Bằng pháp quán tưởng như vậy, Mật tông nói có thể thành Phật đạo, quả thật đều là những lời lẽ vọng tưởng. Những kẻ thành Phật trong Mật giáo đó, vào lúc “thành Phật”, đều không thể hiểu nổi chủ chỉ chân ý trong các kinh Bát Nhã, đều sai lầm lấy Vô nhân luận không của ngoại đạo “đứng ngoài Như Lai Tạng mà nói tất thảy pháp Không” coi là Không tính của Bát Nhã, tức đều là những kẻ phàm phu chưa Kiến đạo. Pháp môn “tu hành” Mật giáo như vậy, đều rơi vào pháp không đoạn diệt vô thường, đều lạc vào trong duyên khởi tính không của Vô nhân luận, để mà nói tất thảy pháp Không, trái ngược với thánh giáo lượng bất sinh bất diệt trong “Tâm Kinh”. Pháp tu Mật giáo như vậy mà nói là Kim Cương thừa, thì những kẻ tu học pháp thường kiến ngoại đạo cũng đều có thể xưng là Kim Cương thừa rồi. Mục kích nhưng gì mà Mật giáo nói, tu, chứng thấy đều không tách rời khỏi tri kiến ngoại đạo, pháp môn ngoại đạo, đều chưa hề nhập vào trong pháp Kiến đạo của Phật pháp Tam thừa. Độc giả muốn biết thêm chi tiết, sau khi đọc xong cuốn sách này từ tập 1 đến tập 4, hãy mua thêm cuốn “Na Lạc lục pháp (công ty Sự nghiệp Văn hóa Thần Hy)” ở hiệu sách, đọc kỹ phần quán tưởng trong chương Quán đỉnh và chương Vô thượng du già (yoga) là sẽ hiểu ngay. Hoặc cũng có thể đọc các sách do các đại sư Mật giáo khác viết (như các cuốn “Mật tông đạo thứ đệ quảng luận”, “Biện liễu bất liễu nghĩa thiện thuyết tạng luận”, “Nhập trung luận thiện Hiển Mật ý sớ”…của Tông Khách Ba) là sẽ biết. Tất thảy đều thuộc về pháp môn hý luận tà tu của Vô nhân luận thuộc ngoại đạo pháp, thế mà nói đến Kim Cương thừa, như thế chẳng phải là quá khinh miệt cái tên “Kim Cương” lắm ư! “Kiến địa” của Mật giáo đã như vậy, lại xem các pháp mà Mật giáo thực hành, cũng đều rơi vào trong vọng tưởng của ngoại đạo cả. Hành giả muốn biết thêm chi tiết, xin hãy đọc phần hành môn như quán tưởng và khí công vô thượng yoga thuật trong các tập 1, 2, 3 là có thể thấy ngay được sự tà trái hoang đường trong tông nghĩa và hành môn của Mật giáo. Mật giáo với hành môn của ngoại đạo đó mà lại ngoa ngôn nói pháp của mình là Kim Cương thừa, tuyệt đối không có ý nghĩa thực chất, thuần túy chỉ là vọng tưởng mà thôi.
|
Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |