Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |
Tiết 6: Mật tông là kẻ thoán ngôi chính thống của Phật giáo -2 |
Mật giáo tự xưng rằng lấy dục ngừa dục, tham dục là đạo, nói có thể thành Phật đạo nhờ dục. Thế nhưng, nếu xem nội dung cuốn “Đả Na Lạp Đạt mật truyện” do đại tổ sư Mật tông giả mạo tên của Đa La Na Tha viết ra, thì thấy thực tế là ghi chép lại lịch sử tình ái một đời dâm lạc với vô số con gái của thượng sư vốn do bọn họ ngụy tạo ra mật truyện. Hơn nữa, trong “truyện ký” được viết ra bằng cách mạo danh này, chúng ta thường có thể thấy ông ta ham muốn hành dâm với rất nhiều người nữ, truy cầu lạc xúc của Đệ tứ hỷ, cho rằng đó là hành động quan trọng để tinh tấn thành Phật, mà những người tu hành lâu năm trong Mật giáo đều phổ biến cho rằng đó là Mật tục vô cùng quan trọng, trân quý vô cùng. Với những hành vi đồi bại như thế mà lại cưỡng ngôn xảo biện thành pháp môn vô thượng tu hành Phật pháp chân chính, qua đó để sùng Mật ức Hiển, thay thế cho chính pháp Phật giáo ở Thiên Trúc khi xưa, cuối cùng thay thế luôn cả Phật giáo Thiên Trúc, thật đúng là kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo. Mật tông nổi tiếng trong “giới học thuật Phật giáo” vì “lối tu hành ẩn mật quái dị”, lý luận và hành môn hoang đường quái đản của họ rất nhiều. Trong cuốn sách này chỉ có thể nêu ra những nội dung lớn, còn những chuyện lặt vặt chưa nêu ra không thể nói từng việc một được. Những người trong Mật giáo sau khi đọc những lý lẽ trong cuốn sách này, tự sẽ biết rõ. Phật giáo Thiên Trúc diệt vong bởi tay Mật tông là có nguyên nhân của nó – đều là do trò mận thay đào chết của Mật giáo gây ra, còn các Bồ Tát xuất gia như tỳ kheo, tỳ kheo ni của Hiển giáo thì không hề cảnh giác, cho nên cứ ngồi để cho Mật giáo đạt được mục đích bằng thủ đoạn soán nhập ngôi chính thống của Phật giáo, Phật giáo Thiên Trúc vì thế mà bị diệt bởi tay Mật tông. Nếu như pháp môn tu hành dâm lạc Song thân pháp quả thật có thể khiến người ta chứng được đạo Giải Thoát thì tôi cũng chẳng có lý do gì phản đối họ cả. Nếu người nào dựa vào sự tu hành của họ mà có thể thành tựu đạo Phật Bồ Đề thì tôi nhất định sẽ tán thành với họ. Thế nhưng nay thấy lý luận và hành môn của họ đều trái ngược với đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề, thì quả thực thấy đã nghiêm trọng đến mức không gì hơn, cho nên mới phản đối họ. Mật giáo tự rêu rao rằng bản tông có pháp tu song thân, cho nên khinh miệt các tông phái Hiển giáo không có pháp tức thân thành Phật này. Thế nhưng, pháp này lại nói rằng “Hồng bạch Minh điểm của nam nữ sau khi hành dâm lạc mà trộn lẫn, trao đổi với nhau thì mới có thể nhanh chóng thành Phật”, như thế là khác với việc Phật nói rằng “tất thảy chúng sinh đều vốn dĩ có đầy đủ ‘pháp chủng vô lậu’ thành Phật”, vì hành giả Mật tông phải đợi khi hai bên đều nhập vào cơn cực khoái tình dục, thu lấy Minh điểm ‘pháp chủng vô lậu’ của người khác giới kia thì sau đó mới có thể thành tựu Phật đạo. Cái ‘pháp chủng vô lậu’ như thế thì sao có thể nói là thứ vốn dĩ có đầy đủ được? vì còn phải dựa vào việc thu lấy từ cơ thể của người khác mà. Thật đúng là cuồng tưởng thành Phật của kẻ vô trí tuệ. Mật giáo bày ra pháp tức thân thành Phật bằng thứ cuồng tưởng đó, thay thế cho chính pháp Hiển giáo mà Phật Thích Ca Thế Tôn tuyên thuyết, tăng cường sùng Mật ức Hiển để đạt được mục đích khống chế hoàn toàn Mật giáo, khiến cho Phật giáo chân chính bị diệt vong, đúng là kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo. Pháp sư Ấn Thuận lẽ ra không nên biện hộ cho việc soán ngôi chính thống Phật giáo đó của Mật tông mới phải. Trong điển tịch của Mật tông Tây Tạng còn nói rằng: “Chứng được từ đăng địa trở lên từ khí mạch, người nữ tuy dựa vào mà không đến mức phạm giới, ví dụ các nhà đại thành tựu của Ấn Tạng, dựa vào người nữ có thể hiển thần thông bất hoại. Nếu không biến hiện thần thông hiển công năng, khí mạch tuy tốt cũng có thể dùng người nữ, tội tổn hại giáo hóa của Phật cũng lớn. Tăng chúng xuất gia hỗ trợ nhau xuất tinh, hành vi này ở các chùa hiện nay rất nhiều, tuy phạm giới nặng nhẹ khác nhau, nỗi đau khổ ở vô lượng địa ngục há dễ chịu nổi sao?” (Xuất xứ đã nêu rõ phần trước). Đoạn văn trong điển tịch Mật tục này có thể chứng minh rằng trong các tự viện của Mật tông Tây Tạng khi ấy đều đã xuất hiện tình trạng các Lạt Ma hành dâm với người nữ. Những tự viện như thế mà có thể được coi là tự viện của Phật giáo ư? Thế mà Ấn Thuận lại nhìn mà vờ không thấy sự thực này, không chịu thừa nhận Mật tông chính là “kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo”, lại còn viết sách biện hộ cho họ? Ví dụ như trong sách của mình, Ấn Thuận viết: “‘Thế giới tất đàn của Phật pháp vẫn siêu thắng hơn thần giáo ở thế gian, bởi vì ở đây vẫn có thành phần nghiêng về giải thoát’, tất cả những thứ này đều là Phật pháp. ‘Đại thừa bí mật’ chính là chủ lưu của Phật giáo thời kỳ cuối, đây là sự thực trong lịch sử Phật giáo, cho nên tôi không thể đồng ý với phê bình ‘soán ngôi chính thống’ được. Đều là Phật pháp đang được lưu truyền, cho nên không hề phủ định triệt để một số Phật pháp nào đó” (“Hoa Vũ Tập – tập bốn” Phật giáo nhân gian khế lý khế cơ, trang 32). Thế nhưng, Mật tông tuyệt đối không phải là chủ lưu của Phật giáo vãn kỳ, vì pháp nghĩa của họ khác hẳn với Phật pháp trong dòng chảy của Phật giáo, bởi pháp nghĩa của họ hoàn toàn là ngoại đạo pháp. Còn Trung Quán của Mật giáo, đặc biệt là Trung Quán phái Ứng Thành mà Ấn Thuận tôn sùng, ra sức hoằng dương một đời, kỳ thực chính là hý luận Trung Quán thuộc Vô nhân luận của ngoại đạo, nó phủ định sạch trơn thắng pháp Thức thứ tám Như Lai Tạng, chứ không phải là “Mật tông không hề phủ định triệt để một số Phật pháp nào đó” như Ấn Thuận nói. Cho nên, những lời lẽ mà Ấn Thuận biện hộ cho Mật tông đều không phải là lời thành thực, vì Ấn Thuận biết rõ Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông phủ định sạch trơn pháp Thức thứ tám Như Lai Tạng mà Phật đã tuyên dạy. Tông Khách Ba của Hoàng giáo Mật tông kế thừa Trung Quán phái Ứng Thành do thượng sư Nguyệt Xứng của Thiên Trúc hoằng truyền, phủ nhận triệt để thắng pháp Như Lai Tạng Thức thứ tám mà Phật nói, hoàn toàn trái ngược với Trung Đạo Quán Bát Nhã trong Phật pháp. Còn Trung Quán phái Tự Tục của ba đại phái khác thì chỉ là vọng tưởng cảnh giới Tâm ý thức của thường kiến ngoại đạo, tuyệt đối không phải là Phật pháp, cho nên mới nói bản chất của Mật tông thuần là ngoại đạo, chắc chắn không phải là Phật giáo. Ấn Thuận mê muội trước sự thực này, nói Mật tông là chủ lưu của Phật giáo thời kỳ cuối, thực sự là mắc sai lầm lớn. Vì sao vậy? Vì Trung Quán kiến trong Mật giáo và pháp tức thân thành Phật đều không phải là chính pháp của Phật giáo, đều là ngoại đạo pháp cả. Ví dụ như Trung Quán kiến phái Tự Tục của Mật tông, Đại thủ ấn Minh quang hay Đại thủ ấn Minh không của họ đều là lấy Tâm ly niệm linh tri làm Như Lai Tạng, tức là ngộ nhận Tâm giác tri là Tâm Thực Tướng của Pháp giới, giống với pháp thường kiến ngoại đạo, rõ ràng không phải là tư tưởng chủ lưu của Phật giáo. Trung Quán kiến phái Ứng Thành thì lại là pháp hư tướng của Vô nhân luận, chứ không phải là pháp Thực Tướng mà Phật nói, vì họ đã phủ nhận sạch trơn pháp Thực Tướng Thức thứ tám mà các kinh Bát Nhã, Duy Thức, A Hàm đã giảng, khiến cho Niết Bàn vô dư mà bậc Vô học của Nhị thừa chứng được trở thành Đoạn diệt kiến[3], khiến cho Niết Bàn vô dư bị biến thành một sự ức tưởng không thể biết, không thể chứng. “Trung Quán” Vô nhân luận của phái Ứng Thành đã phủ nhận triệt để tận gốc chính pháp Tam thừa của Phật giáo như vậy, thế mà pháp sư Ấn Thuận lại trừng mắt nói mò, công khai viết trong sách tán dương Mật giáo rằng: “Đều là Phật pháp đang được lưu truyền, cho nên không hề phủ định triệt để một số Phật pháp nào đó”, qua đó để ủng hộ tà thuyết, tà giáo phá hoại chính pháp Phật giáo của Mật tông, khiến người ta không thể tha thứ được. Còn pháp tức thân thành Phật hợp dâm nam nữ song thân thì thuần túy chỉ là tư tưởng của phái Tính Lực ngoại đạo, duy chỉ khiến cho người ta mãi mãi rơi vào trong Dục giới, cũng hoàn toàn trái ngược với đạo Giải Thoát và đạo Phật Bồ Đề mà Phật thuyết. Người xuất gia trong Phật giáo tu môn này thì sẽ đọa vào trong tội địa ngục hủy phạm Thập trọng giới. Do “Trung Quán kiến” phái Ứng Thành phủ định sạch trơn Thức thứ tám Như Lai Tạng, không thừa nhận Thức thứ tám là có thực, cho nên sẽ không cần phải tu chứng Thức thứ tám Như Lai Tạng, càng không coi việc tu chứng Như Lai Tạng làm mục đích chính tu của Phật pháp, vì thế mà khiến cho pháp tu song thân có được không gian sinh tồn, được hoằng truyền rộng rãi ở Đài Loan ngày nay. Đó cũng chính là công lao vĩ đại của “pháp sư” Ấn Thuận vì đã tăng cường hộ trì cho pháp nghĩa của Mật giáo, bởi ông ta luôn luôn ủng hộ “Không tính kiến” của pháp hư tướng “Trung Quán” phái Ứng Thành của Mật tông, khiến cho Mật tông từ đó không còn cần phải coi việc cầu chứng Mật pháp Như Lai Tạng khó chứng đắc nhất làm sự tu chứng của Phật pháp nữa. Chính vì không coi Như Lai Tạng là mục tiêu duy nhất trong tu chứng Phật pháp Đại thừa, cho nên pháp tu song thân của Mật tông càng có được không gian sinh tồn. Như vậy, pháp nghĩa của Mật tông hoàn toàn khác với lý luận chân chính và pháp môn tu hành của Phật giáo, về bản chất hoàn toàn chỉ là ngoại đạo – chỉ là ngoại đạo khoác tấm áo choàng Phật giáo mà thôi. Việc họ đem bản chất của ngoại đạo để thay thế hoàn toàn cho Phật giáo vốn có ở Thiên Trúc như thế, thực sự là kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo, thì sao Ấn Thuận có thể nói nó là chủ lưu của Phật giáo thời kỳ cuối được? Vì sao Ấn Thuận có thể phủ nhận sự thực Mật tông soán nhập chính thống? Vì sao Ấn Thuận có thể giúp tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông giành được không gian sinh tồn? Thật không đúng chính lý chút nào! Cho nên Phật giáo ở Ấn Độ thực tế đã bị diệt vong toàn diện ngay thời vương triều Ba La rồi, “Phật giáo Mật tông” ở Thiên Trúc khi đó căn bản đã không phải là Phật giáo nữa, chỉ là Phật giáo có vẻ bề ngoài bị ngoại đạo Mật tông thoán vị mà thôi. Lúc bấy giờ, Phật giáo đã bị ngoại đạo Mật giáo soán ngôi chính thống, hoàn toàn chuyển thành ngoại đạo pháp rồi. Pháp sư Ấn Thuận biết rõ sự thực này, nhưng lại ra sức biện hộ cho hành vi soán ngôi chính thống của Mật tông, chủ trương Mật tông không phải là kẻ soán ngôi Phật giáo chính thống, cho rằng Mật tông là “chủ lưu của Phật giáo thời kỳ cuối”, lấy đó làm căn cứ biện hộ cho Mật tông tiêu diệt Phật giáo triệt để. Như thế thì lời nói của ông ta sao có thể tin theo được? Qua việc quan sát sự thực về pháp nghĩa Mật tông cũng như pháp môn tu hành mà họ hoằng truyền, có thể thấy Mật tông đích xác là kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo – đem pháp nghĩa và hành môn của ngoại đạo pháp, trộm dùng các loại danh tướng trong kinh Phật để ngụy trang bên ngoài, nhằm thay thế cho Phật pháp chính tông, đồng thời thổi phồng chứng đức, chứng lượng của mình; mặt khác thì chỗ nào cũng tìm cách hạ thấp Hiển giáo, khiến cho người ta tin theo Mật tông chứ không còn tin vào Hiển giáo nữa. Với cách bài trừ Hiển giáo, tiêu diệt Hiển giáo, thay thế ngôi vị chính thống của Phật giáo như vậy, họ đã khiến cho Phật giáo chân chính biến mất trong vô hình vô ảnh, trở thành tôn giáo ngoại đạo pháp thuần túy. Đó chính là Phật giáo thời kỳ cuối mà Ấn Thuận đã nhận định trong lịch sử tư tưởng Phật giáo. Mật tông có kế hoạch tiêu diệt Phật giáo Thiên Trúc trong hòa bình, tiêu diệt Phật giáo chân chính trong sự bất tri bất giác của người học Phật, cho đến “Phật giáo thời kỳ cuối” mà Ấn Thuận đề cập chỉ còn lại danh tướng của Phật giáo và biểu tướng (vẻ bề ngoài) của các tự viện và người xuất gia, còn nội dung thì hoàn toàn là pháp tu “dâm dục là đạo” của phái Tính Lực ngoại đạo – bắt đầu từ quán đỉnh cho đến đạo thành Phật, đều là pháp môn tham trước khoái lạc tình dục “dâm dục là đạo” của ngoại đạo, còn Hiển giáo thì đã bị Mật tông tiêu diệt hoàn toàn trong êm ả rồi. Việc mận thay đào chết như vậy, tiêu diệt Phật giáo Thiên Trúc trong sự bất tri bất giác của đại chúng, thay thế ngôi Phật giáo chính thống, khiến cho Mật tông trở thành đại diện duy nhất của Phật giáo thời kỳ cuối ở Ấn Độ, cuối cùng trở thành như Ấn Thuận nói là “sự chính thống của Phật giáo cuối cùng ở Thiên Trúc”, thì sao không phải là kẻ “soán ngôi chính thống của Phật giáo”? Có một số học giả nghiên cứu Phật giáo Âu Mỹ nhận định “Mật tông là kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo”, các bình luận mà họ nêu ra như thế, tuy chỉ là đề cập đến chân tướng sự thực bề ngoài, nhưng đối với Mật tông thì tuyệt đối không có chút oan uổng nào cả. Ấn Thuận sở dĩ phản đối quan điểm “Mật tông là kẻ soán ngôi chính thống của Phật giáo” là vì tư tưởng nòng cốt về pháp nghĩa của ông ta đến từ những người như Tịch Thiên, Nguyệt Xứng của Mật tông thời kỳ cuối ở Thiên Trúc mà đã được Hoàng giáo của Mật tông Tây Tạng kế thừa, còn vì tư tưởng trung tâm về “Phật pháp” của Ấn Thuận mãi mãi không thể nào đứng ngoài Mật tông được. Vì sao nói vậy? Là vì tư tưởng trung tâm của Ấn Thuận chính là pháp hư tướng “Trung Quán vô nhân luận” phái Ứng Thành nhất mạch tương truyền từ những người như Nguyệt Xứng, Tịch Thiên, A Để Hạp của Mật tông Thiên Trúc và Tông Khách Ba, Thổ Quan, Đạt Lai Lạt Ma các đời của Mật tông Tây Tạng, (ông ta) vọng thuyết Bát Nhã là đoạn diệt kiến “tất thảy pháp không, Tính Không duy danh”[4]. Nếu như phủ nhận toàn bộ Mật tông thì tư tưởng nòng cốt của Ấn Thuận sẽ tự theo đó mà bị phủ nhận và tuyên cáo diệt vong, tan rã toàn bộ. Cho nên, Ấn Thuận tuy có phê bình về sự không đúng đắn của dâm dục vi đạo của Mật tông, nhưng ông ta lại vẫn ủng hộ Mật tông, mắt thấy sự thực Mật tông “soán ngôi chính thống”, song vẫn không chịu thừa nhận Mật tông là kẻ “soán ngôi chính thống”. Ông ta lại còn đem tình riêng viết vào trong sách, ra sức biện hộ cho Mật giáo và cho phát hành rộng rãi, dựa vào sách để biện hộ mãi mãi cho sự thực tiêu diệt Phật giáo của Mật giáo, thật đúng là những hành vi vô cùng thiếu đúng đắn. Hành vi đó của pháp sư Ấn Thuận chỉ là có vẻ bề ngoài phê bình Mật tông, nhưng lại có thực chất là ủng hộ Mật tông, thật đúng là kẻ phá hoại chính pháp Phật giáo thực sự. Hành vi như thế nhất định sẽ gây ra sức phá hoại vô cùng nghiêm trọng đối với sự hoằng truyền trụ thế của chính pháp Phật giáo trong tương lai, vì người học đời nay về sau chắc chắn mãi mãi không thể nào tu chứng được pháp Như Lai Tạng chính lý chân thực của Phật giáo, chắc chắn khiến các Phật tử vĩnh viễn không thể nào thân chứng được trí tuệ Bát Nhã chân chính, nhất định sẽ khiến tà kiến của Mật tông mãi mãi giữ được một vị thế trong giới Phật giáo, sẽ khiến Mật tông vẫn tiếp tục không ngừng cắn chặt huyết mạch của Phật giáo như hơn một ngàn năm về trước. Như vậy, trong các trước tác của mình, Ấn Thuận ra sức thừa nhận Mật tông là chính pháp của Phật giáo, đồng thời xuất bản hàng loạt cho lưu hành rộng rãi, tức là đã tận sức trợ giúp một tay cho hành vi tiêu diệt Phật giáo một lần nữa trên phạm vi toàn cầu của Mật giáo, khiến Mật giáo trồng thêm được hạt giống đỏ tiếp tục phá hủy Phật giáo trong tương lai, làm cho hành vi diệt vong Phật giáo của Mật giáo sau này được thành công. Chính vì lẽ đó mà tôi nay mới phải ra sức vạch trần chân tướng sự thực của họ, tăng cường tiêu diệt, chặn đứng sự phát triển của tiến trình soán ngôi chính thống Phật giáo một lần nữa của Mật tông dưới sự ủng hộ của Ấn Thuận. Ấn Thuận với địa vị tôn quý của một đạo sư trong giới Phật giáo, đã ủng hộ Mật tông bằng tư tưởng sai lầm, khiến cho Mật tông gây tổn hại liên tục không ngừng cho Phật giáo, thậm chí làm cho hạt giống đỏ soán ngôi chính thống của Phật giáo một lần nữa trong tương lai được tiếp tục tồn tại trong Phật giáo, chỉ đợi cơ hội trong tương lai là có thể thành công. Với những trước tác và ngôn từ ủng hộ Mật giáo của Ấn Thuận như thế, thì sao không thể gọi là kẻ thực sự phá hoại Phật giáo được? Các đồ chúng của Ấn Thuận vì còn tham tiếc danh văn lợi dưỡng và thể diện một đời, vẫn tiếp tục hoằng truyền tà kiến tà pháp Trung Quán phái Ứng Thành phá hoại Bồ Tát Tạng của ông ta, tạo nên cộng nghiệp lớn mà không tự biết, thật đúng là những kẻ đáng thương nhất trong giới Phật giáo. Ấn Thuận đem tà kiến của mình ra để ủng hộ Mật tông, tấm thiên y tinh tươm có vẻ bề ngoài là ngôn ngữ đó đã khiến cho những người bình thường khó mà hiểu được chân tướng tà trái, hoang đường trong pháp nghĩa của ông ta. Điều đáng bi ai nhất là thậm chí cả những pháp sư xuất gia trong Phật môn cũng không phân biệt nổi chính tà, còn tiếp tục kế thừa tà kiến “Trung Quán” phái Ứng Thành mà Ấn Thuận truyền bá, tiếp tục quảng truyền dưới thân xuất gia, khiến cho pháp nghĩa của Phật giáo nhanh chóng bị ngoại đạo hóa, không động hóa; khiến pháp nghĩa của Phật giáo dần dần chuyển biến và trở thành pháp Hư tướng Vô nhân luận “Trung Quán kiến” phái Ứng Thành của Mật tông có bản chất là Đoạn diệt kiến. Với vẻ bề ngoài của thân xuất gia như vậy, họ ở nhà Như Lai, ăn cơm Như Lai, thuyết pháp Như Lai mà lại phá pháp Như Lai – đem tài nguyên rộng lớn mà Như Lai truyền lại ra để tiêu diệt pháp Thực Tướng Như Lai Tạng của Trung Quán thực sự mà Phật tuyên thuyết, khiến cho những người học bình thường đều bị bịt mắt mà không biết uẩn khúc bên trong, vì thấy tướng xuất gia của bọn họ nên đã nhất nhất mê tín, ủng hộ họ, cùng nhau thực hiện đại ác nghiệp phá hoại gốc rễ Phật pháp Tam thừa, khó mà cứu vãn nổi. Như thế lẽ nào chẳng phải là nỗi bi ai lớn nhất của giới Phật giáo hiện nay đó ư?
[1]Chú thích của người dịch: Bồ Tát địa thượng là chỉ các Bồ Tát có quả vị trong Thập địa. [2] Chú thích của người dịch: Hai căn (nhị căn), chỉ bộ phận sinh dục nam nữ. [3] Chú thích của người dịch: Tức là Đoạn diệt không của ngoại đạo (cho rằng chết là hết, không còn cái gì cả). [4] Chú thích của người dịch: Chủ trương của Ấn Thuận về Bát Nhã là: tất cả vạn pháp đều hoại diệt quy không, Tính Không chỉ là cái tên mà thôi, không có thật. Tức là ông ta chủ trương “tất thảy pháp không” nhưng đồng thời phủ định sự tồn tại của Như Lai Tạng, trong khi đó “tất thảy pháp không” thật sự là phải dựa vào sự tồn tại của Như Lai Tạng mới có thể thành lập, bởi lẽ tất cả các pháp đều bị hoại diệt quy không, nhưng vấn đề là các pháp từ đâu sinh ra để rồi bị diệt? Tất cả các pháp đều được sinh ra từ Như Lai Tạng. Lượt xem trang: 35644 |
Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |