Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |
Tiết 7: Sự phán luận đối với pháp nghĩa của Mật tông -2 |
Thiên ma cũng như vậy, thấy các chúng sinh trong Dục giới đều sinh sống an lạc trong Dục giới, không hề thoát khỏi cảnh giới mà nó đang kiểm soát, cho nên không có bất kỳ sự can thiệp nào, khiến cho chúng sinh không hề cảm nhận được rằng mình vẫn đều đang nằm trong phạm vi thế lực kiểm soát của thiên ma, cứ thế mãi mãi luân hồi trong pháp Dục giới. Nếu như có chúng sinh nào mong muốn có được sự an lạc hơn nữa trong đời sau, mà lại muốn thoát khỏi phạm vi Dục giới mà thiên ma đang khống chế, thì nó bèn sai thuộc hạ đầu thai xuống nhân gian, dẫn dắt chúng sinh hành thập thiện, sau khi xả thọ liền được sinh lên lục thiên trong Dục giới, hưởng thụ ngũ dục thắng diệu, tức là vẫn nằm trong tầm kiểm soát của thiên ma. Đó chính là thiện pháp nói trong các giáo nghĩa của Nhất thần giáo vậy. Thế nhưng, nếu như có người nào muốn thoát ra khỏi Tam giới, không chịu sự kiểm soát của thiên ma nữa, đồng thời anh ta cũng biết được sự tà trái hoang đường của Mật tông, cho nên khi tu học Phật pháp đã không chịu tu học pháp đạo của Mật tông, chỉ muốn chính tu Bát Nhã liễu nghĩa. Thế là thiên ma bèn phái thuộc hạ của mình đầu thai xuống nhân gian, thị hiện làm người xuất gia trong Phật giáo thụ Cụ túc giới, thị hiện tướng thanh cao, cũng thể hiện vẻ bề ngoài là người bài bác Song thân pháp của Mật tông, khiến cho mọi người cho rằng pháp của ông ta là chân chính. Thế nhưng, đối với chỗ trọng yếu của Phật pháp, thì ông ta lại cố ý nói sai, khiến cho người ta không thể nào thân chứng được chính pháp liễu nghĩa: không thể nào chứng được Nhị thừa Bồ Đề - không thể nào thoát ly khỏi sinh tử, càng không thể nào thân chứng được Phật Bồ Đề - vì không thể thân chứng được Như Lai Tạng nên không thể nào thực chứng được Bát Nhã và Chủng trí, mãi mãi tuyệt duyên với Thực Tướng Bát Nhã. Việc mặc áo Như Lai, ở nhà Như Lai, ăn cơm Như Lai, thuyết pháp Như Lai mà lại phá pháp Như Lai như thế, khiến cho người học thời mạt pháp vĩnh viễn tuyệt duyên với tu chứng chính pháp liễu nghĩa. Nay xem các hành vi, lời lẽ, trước tác của pháp sư Ấn Thuận, không có chỗ nào là không như vậy: ông ta có tướng trường thọ, có tướng trì giới, có tướng vô tham, tướng từ bi, tướng trí tuệ, tướng xuất gia tăng bảo…cái gì cũng đầy đủ. Lại còn có chút bài bác Song thân pháp của Mật tông, khiến cho người học trong Phật môn cho rằng pháp sư Ấn Thuận cũng là người phản đối pháp nghĩa của Mật tông, vì thế mà sinh lòng tin tưởng với ông ta. Nhưng về phương diện hoằng truyền Nhị thừa Bồ Đề và chính pháp liễu nghĩa của Đại thừa bên Hiển giáo, ông ấy lại thay thế bằng tà kiến của Mật tông, bẻ cong gốc rễ của chính pháp, khiến cho người ta tin vào tâm cảnh ý thức và pháp tư duy của ý thức, bằng cách đó để dẫn dắt sai lầm cho người học. Hành vi đó hơn 60 năm nay của Ấn Thuận chắc chắn sẽ khiến cho chính pháp liễu nghĩa Phật giao trên toàn thế giới bị tiêu diệt sau 30 năm nữa, chỉ còn lại pháp hư tướng, tà kiến Vô nhân luận của Trung Quán phái Ứng Thành Mật tông tiếp tục tồn tại ở nhân gian, sẽ gọi tên pháp hư tướng của tà kiến tất thảy pháp không là pháp Thực Tướng Bát Nhã; khiến cho pháp Thực Tướng Như Lai Tạng mãi mãi tuyệt diệt ở nhân gian, chỉ còn lại Phật giáo Mật tông lưu lại thế gian mà không có thực chất về tu chứng, đọa vào cảnh giới của ý thức, chỉ thừa nhận có sáu thức, không còn thừa nhận có thức thứ bảy, Thức thứ tám nữa; sau đó thì Song thân pháp của Mật tông liền có thể đoạt được không gian sinh tồn, vì Song thân pháp tương ứng với ý thức, và Ấn Thuận thì chỉ thừa nhận có sáu thức thôi. Thế nhưng, đại chúng trong Phật môn chúng ta đều không hề hay biết gì về tính nghiêm trọng của vấn đề này, thậm chí tứ đại pháp sư còn tiếp tục ủng hộ cho tà thuyết của Ấn Thuận, thật đúng là đại bi ai của người học Phật giáo thời nay và mai sau. Người tu học thử suy nghĩ xem: Khi ma dân đến nhân gian phá hoại Phật pháp, lẽ nào chỉ hiện hình tướng trên đầu có sừng dài, miệng nhe răng sói ư? Lẽ nào chỉ hiện ác hình ác dạng, nham hiểm ác độc ư? Lẽ nào chỉ hiện hình tướng phá giới tham dục ư? Những hình tướng đó chắc chắn sẽ bị những người học sơ cơ trong Phật môn cùng nhau tẩn trừ, huống hồ là những người tu hành lâu năm? Ma lẽ nào ngu si đến độ hiện ra những hình tướng đó? Muốn dụ dỗ người học sơ cơ, cho nên khi đầu thai ở nhân gian, nhất định chúng sẽ cố ý hiện ra tướng mạo từ bi, miệng nói những danh tướng của Phật pháp vân vân và vân vân, chứ tuyệt đối sẽ không thị hiện hình tướng đáng sợ như la sát, dạ xoa đâu, như thế mới có thể truyền Song thân pháp của Mật tông được. Nếu như muốn dẫn dụ người học Phật thanh tịnh mà không tham dâm, thì phải hiện tướng thanh tịnh không dâm, xuất gia trong Hiển giáo, có chút bài bác Song thân pháp, thế nhưng lại tiếp tục tuyên thị rằng: “Mật tông Tây Tạng đích thực là một chi phái trong Phật giáo, những gì họ nói quả thực thuộc về Phật pháp”, khiến cho người ta không hoàn toàn phủ nhận Mật tông, bằng cách đó để ủng hộ Mật tông. Đó chính là những thứ mà Ấn Thuận đã nói, đã làm vậy. Cho nên, thiên ma nếu muốn sai người xuống nhân gian đầu thai để làm người phá hoại Phật pháp, thì chắc chắn sẽ hiện tướng trường thọ, tướng trì giới, tướng không tham dâm, tướng từ bi, tướng trí tuệ, tướng xuất gia tăng bảo, chỗ nào cũng khuyên người hành thiện, bản thân cũng trì giới không tham, tất thảy mọi thiện pháp Dục giới đều thị hiện đầy đủ thì sau đó mới khiến cho người học tin theo. Những gì mà “pháp sư” Ấn Thuận thị hiện đều hoàn toàn đúng như thế. Thế nhưng, khi “hoằng dương Phật pháp”, về mặt pháp căn bản của Tam thừa Bồ Đề, ông ta nhất định sẽ bẻ cong từng cái mà nói, chắc chắn sẽ phủ định Thực Tướng Bát Nhã của pháp Cứu cánh, xảo biện nói những gì ông ta giảng đó mới là pháp cứu cánh, nhằm làm cho chính pháp Đại thừa liễu nghĩa cứu cánh của Phật giáo tăng nhanh tốc độ biến mất khỏi nhân gian. Có như thế thì người họ mới mãi mãi nằm trong sự khống chế của thiên ma Ba Tuần, vĩnh viễn không thể thoát khỏi cảnh giới Dục giới mà ông ta đang kiểm soát, về mặt bản chất vẫn là con dân của thiên ma. Thế nhưng, Ấn Thuận do cái mê cách âm của bản thân, không tự biết rằng những hành vi mà mình đang tạo tác chính là do thiên ma sai khiến, cho nên mãi mãi không thể nào thừa nhận rằng mình chính là kẻ phá pháp do thiên ma sai phái đến. Bồ Tát đã nhìn thấy sự việc này nên mới xuất thế phá hủy tà thuyết, không nể tình diện. Còn những người học thì mê muội trước vẻ bề ngoài, thấy tướng xuất gia và đầy đủ thiện tướng thế gian mà ma thị hiện, cho nên đã sùng tín họ. Lại không biết rằng ma tử giả dựa vào uy đức bộ tăng y của Thế Tôn mà thị hiện tướng trang nghiêm của tăng bảo, cho nên không biết kiểm tra sự thực nghiêm trọng phá hoại chính pháp của họ, ngược lại còn tán thán phàm phu tăng xuất gia phá pháp là tăng bảo thực sự, bên cạnh đó còn nói những hành vi phá tà hiển chính, cứu hộ chúng sinh của Thắng nghĩa Bồ Tát tăng thị hiện tướng tại gia là hành vi phỉ báng tăng bảo, quyết không chịu thâm nhập tham cứu về mặt pháp nghĩa. Những hành động vô trí tuệ, ngu si như thế, thật khiến người ta cảm thán! Chẳng trách vào thời kỳ mạt pháp này lại ít có Bồ Tát nguyện đến nhân gian ở Ta Bà trụ trì chính pháp. Còn vị “pháp sư” Ấn Thuận kia, vì được rất nhiều nhân sĩ giới học thuật nghiên cứu Phật giao sùng bái, cho nên đã viết văn chương, thư tịch phụng thừa, tôn ông ta lên thành người có chứng lượng, khiến nhiều người đến theo học pháp ông ta. Rất nhiều viện Phật học cũng vì không biết sự sai lầm của ông ta, tranh nhau lựa chọn các trước tác tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành của ông ta để làm giáo trình giảng dạy, truyền thụ tà kiến đó cho học tăng và sinh viên của các viện Phật học. Học tăng của các viện Phật học đó cùng với các học sinh sau này xuất gia rồi thì tà kiến được truyền thụ trong các sách của Ấn Thuận sẽ trở thành chủ lưu của Phật giáo trong tương lai. Khi đó, Phật giáo và tất thảy người học đều sẽ bị đọa vào trong tà kiến pháp hư tướng của Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông, thì Phật giáo sẽ bị tuyên cáo diệt vong về mặt bản chất, duy chỉ có Phật giáo có vẻ bề ngoài còn tồn tại – trở thành Phật giáo biểu tướng có bản chất là pháp nghĩa Trung Quán phái Ứng Thành của Mật tông. Khi chỉ còn Phật giáo biểu tướng tồn tại ở nhân gian, thì Song thân pháp của Mật tông sẽ lại có thể giành được không gian sinh tồn, lại có thể tiếp tục thực hiện âm mưu và dương mưu thay thế Phật giáo của mình. Đối với Phật giáo mà nói: sự việc này nếu không đáng bi ai thì còn có việc gì đáng bi ai hơn nữa đây? Các pháp ngoại đạo của Mật tông sở dĩ có thể đứng vững trong Phật giáo, đều là vì Trung Quán phái Ứng Thành phủ định sự tồn tại của Thức thứ tám Như Lai Tạng và phủ định thức thứ bảy Ý căn, khiến cho pháp ngoại đạo của cảnh giới Ý thức của Mật tông đều có đủ chỗ dựa, làm cho rất nhiều người học trong Phật giáo khó có thể biện chính được. Cho đến nay vẫn còn có rất nhiều nhân sĩ giới học thuật “nghiên cứu học thuật Phật giáo” tiếp tục ra sức tôn sùng tà pháp của Ấn Thuận là pháp như thực, đồng thời đem nó biên vào trong “Quốc sử”. Ví dụ, trong “Hội thảo học thuật nhân vật lịch sử Đài Loan thế kỷ 20” do Bảo tàng Quốc sử Đài Loan tổ chức, ông Hầu Thân Hoằng đã cực lực tôn sùng tà kiến của pháp sư Ấn Thuận, đưa ra những tán thán không thỏa đáng, rồi ấn chế thành sách, nói: “Sự phê phán toàn diện đối với Phật học Trung Quốc truyền thống của ông ấy (Ấn Thuận) không phải là sự tranh biện nghĩa lý dưới lập trường khác nhau giữa các tông phái, mà là sự phản tỉnh toàn diện đối với hiện tượng mất đi cái chân thật được tạo ra trong quá trình truyền bá Phật pháp ở Trung Quốc”. (“Nghiên cứu và phê phán của pháp sư Ấn Thuận đối với Phật giáo Trung Quốc”, ngày 23.10.2001, 1-1C-2, trang 62). Thế nhưng, sự phê phán của Ấn Thuận đối với Phật giáo truyền thống ở Trung Quốc ngược lại còn khiến cho chính Phật giáo truyền thống đó càng thêm mất đi sự chân thật; sự “phản tỉnh” nói đến trong trước tác của ông ta ngược lại còn gây ra độ sai lệch nghiêm trọng trong tu chứng pháp nghĩa của Phật giáo truyền thống Trung Quốc, khiến cho hệ thống pháp nghĩa vốn dĩ hoàn chỉnh của Phật giáo truyền thống bị biến thành chia lìa, tan nát. Pháp Như Lai Tạng của Phật giáo truyền thống Trung Quốc gần 100 năm nay tuy không có được sự hoằng truyền của người chứng ngộ chân thực, nhưng không phải là không có người chứng thực được Phật Bồ Đề liễu nghĩa, chỉ là vì nhân duyên hạn chế nên không thể khéo léo quảng truyền mà thôi (Ví dụ như Quảng Khâm lão hòa thượng không biết chữ, e ngại dưới sự dẫn dắt của mình người ta ngộ nhập mà sinh nghi không tin, có nghi vấn với mình; bản thân lại không thể dẫn kinh cứ điển để ấn chứng sự thực về sở ngộ của mình, cho nên không dám tùy tiện quảng truyền). Hoặc như tôi đời trước hiện thân là một cư sĩ, sống ở Triết Giang, sau khi chứng ngộ mà trong lòng không có tham muốn lãnh đạo nên không muốn ra mặt tuyên truyền rộng rãi, mưu đồ địa vị đại sư, cho nên chính pháp liễu nghĩa không phải là hoàn toàn đã thất truyền đâu. Nếu như pháp nghĩa Phật giáo truyền thống Đại thừa ở Trung Quốc trong dòng chủ lưu của Phật giáo chỉ vì tà thuyết của Ấn Thuận mà bị chia lìa, tan nát thì pháp nghĩa Phật giáo ở toàn cầu tất sẽ càng thêm chia lìa, vỡ vụn. Đại sư Thái Hư đã nhìn thấy việc này, sớm đã đưa ra lời phản đối đối với sự phán giáo sai lầm của Ấn Thuận, nói sự phán giáo và sự giải nghĩa đối với Phật pháp của ông ta đã khiến cho pháp nghĩa của Phật giáo Đại thừa chia lìa, tan nát. Những lời nói đó của đại sư Thái Hư được chép lại đầy đủ trong các trước tác của Ấn Thuận, nay vẫn còn có thể tra cứu được. Lướt qua cái gọi là “Phật pháp” được viết trong các trước tác của Ấn Thuận như “Diệu Vân Tập”, “Hoa Vũ Tập”, “Nghiên cứu Như Lai Tạng”, “Tham cứu Tính Không học”…, thấy hoàn toàn đều là lấy tà kiến của Trung Quán phái Ứng Thành Mật tông làm gốc rễ, làm tư tưởng nòng cốt, rồi bài bác thức thứ bảy, Thức thứ tám mà Thế Tôn đã tuyên thuyết trong các kinh Tam thừa. Về mặt khảo chứng pháp nghĩa, ông ta cũng lấy tà kiến Trung Quán phái Ứng Thành Mật tông làm cơ sở cho lập luận của mình, bác bỏ thức thứ bảy, Thức thứ tám căn bản của Tam thừa Bồ Đề mà Thế Tôn đã nói trong các kinh Tam thừa. Sau khi phủ nhận “Thức thứ bảy, Thức thứ tám có thể biết, có thể chứng được” mà Phật đã nói trong pháp giáo Tam thừa, thì Ấn Thuận đã khiến cho Niết Bàn vô dư mà Phật thuyết trở thành Đoạn diệt luận, khiến cho Niết Bàn phi đoạn diệt vốn dĩ có thể chứng được mà Phật dạy đó trở thành pháp ức tưởng không thể biết, không thể chứng, không thể nói – trở thành pháp hư tướng hý luận, hoàn toàn thoát li khỏi Thực Tướng; trở thành pháp hư tướng, pháp đoạn diệt tất thảy pháp không “tính Không duy danh” như Ấn Thuận đã nói trong các trước tác của mình, không còn Thực Tướng có thể chứng được nữa. Thế nhưng, Niết Bàn mà Phật giảng dạy thực tế không phải là pháp đoạn diệt, hơn nữa còn xác thực, có thể chứng được. Trong Hội đồng tu Chính Giác ngày nay cũng có rất nhiều người có thể chứng được, đâu phải chỉ có một mình Bình Thực tôi. Pháp mà Ấn Thuận nói thì dẫn dắt sai lầm về phương hướng cho người học, khiến cho Niết Bàn Thực Tế mà Phật tuyên thuyết trở thành pháp ức tưởng mà những người tin theo tư tưởng của Ấn Thuận mãi mãi không thể biết, mãi mãi không thể chứng được. Sự quảng truyền tri kiến sai lầm đó, nếu được toàn thể tín đồ Phật giáo tin theo, thì không chỉ khiến cho những người theo học Ấn Thuận mãi mãi không thể thực chứng Niết Bàn mà còn dẫn đến việc tất cả người học trong đời sau vĩnh viễn không thể chứng được Hữu dư Niết Bàn và Niết Bàn vô dư, vĩnh viễn không thể nào chứng được Niết Bàn Bản lai Tự tính Thanh tịnh. Như thế thì sẽ khiến cho bản chất của Phật pháp bị đánh đồng với pháp đoạn kiến ngoại đạo, trở thành pháp hư tướng tất thảy pháp không của Trung Quán phái Ứng Thành, khiến cho chính nghĩa Duy Thức bị biến thành pháp môn Duy Thức hư vọng mà Trung Quán phái Ứng Thành của Tây Mật đang hoằng truyền, làm cho pháp Không Bát Nhã Đại thừa cứu cánh liễu nghĩa chân chính biến thành hý luận – một thứ hý luận hữu danh vô thực, thì sẽ ăn khớp với thuyết của Ấn Thuận. Pháp sư Ấn Thuận vẫn luôn luôn phủ nhận Thức thứ tám Như Lai Tạng, cũng phủ nhận luôn sự tồn tại của thức thứ bảy Ý căn, hết mực chủ trương “Tất thảy pháp không, Bát Nhã tức là tính không, cho nên chỉ có cái tên”. Những lời lẽ như vậy, thật khiến cho Phật pháp bị rơi vào trong hý luận, khiến cho Phật pháp Tam thừa đều bị đọa vào trong Vô nhân luận của tất thảy pháp không, làm cho câu Phật nói “phải dựa vào Như Lai Tạng làm nhân, thì mới có pháp duyên tính không của Uẩn Xứ Giới” bị chuyển biến thành hý luận duyên khởi tính không ngoại đạo trong “vô nhân duy duyên”, khiến cho Niết Bàn vô dư phi đoạn diệt mà bậc vô học Nhị thừa sau khi xả thọ chứng được trở thành Đoạn diệt không ức tưởng trong lòng thế nhân, làm cho Bát Nhã tuệ học trở thành pháp hư tướng “tính không duy danh” mà Ấn Thuận đã phán, trái ngược xa so với Thực Tướng. Hành vi phá hoại chính pháp Phật giáo đó của pháp sư Ấn Thuận nó nghiêm trọng đến cực điểm, sai lầm này chắc chắn sẽ bị đọa xuống địa ngục Vô Gián 70 đại kiếp, các hành giả không thể khoanh tay mà đứng nhìn được. Như Phật đã từng nói: “Này đại vương Lưu Ly, tỳ kheo Thiện Tinh: Lưu Ly tru diệt chủng tính Cù Đàm, Thiện Tịnh vọng thuyết tất thảy pháp không, sinh thân rơi vào địa ngục A Tỳ (Kinh Lăng Nghiêm, quyển 8)”. Cho nên, phải dựa vào lời Phật nói: “Dựa vào Như Lai Tạng làm gốc để nói về tất thảy pháp không trong Uẩn Xứ Giới”. Chúng ta bắt buộc phải dựa vào Đệ Nhất Nhân Như Lai Tạng để nói về tất thảy pháp không trong Uẩn Xứ Giới, không được phép đứng ngoài Căn Bản Nhân Như Lai Tạng của tất thảy pháp không trong Uẩn Xứ Giới để nói về tất thảy pháp không. Nếu không thì sẽ thành vọng thuyết tất thảy pháp không, trở thành kẻ phá hoại chính pháp Phật giáo, tội đó cực nặng. Tất cả mọi người học đều phải cẩn ngôn thận hành, khéo biện minh thêm, để tránh cho những lời nói, những hành động khi hoằng pháp trở thành nghiệp địa ngục phá pháp hủy giới. Việc chứng đạo hay rơi vào địa ngục của hành giả chỉ nằm ở trong một niệm chính tà, nhất nhất chớ nên khinh suất, một lời có thể rước lấy đại họa đó! Phải tránh sao cho khi xả báo, ác nghiệp hiện hành mà cứu không kịp nữa. |
Home » 文章分类_VN » CUỒNG MẬT VÀ CHÂN MẬT |