Home » 文章分类_VN » CHÂN TƯỚNG MẬT TÔNG TÂY TẠNG |
ĐẶC ĐIỂM TU HÀNH CHUNG CỦA CÁC GIÁO PHÁI MẬT TÔNG TÂY TẠNG VÀ SỰ KHÁC BIỆT CỦA HỌ SO VỚI PHẬT GIÁO – LẤY GIÁO NGHĨA PHÁI CÁCH LỖ LÀM VÍ DỤ -2 |
3. Phái Cát Cử (Bạch giáo) “Cát” là sự giáo hối, dạy bảo của Phật hoặc bậc Sư trưởng, Thượng sư; “Cử” là sự truyền thừa. Kết hợp lại là chỉ sự tu tập Mật pháp của giáo phái này đều dựa vào sự truyền khẩu (khẩu nhĩ tương truyền) giữa thày và trò, vì thế mà có tên như vậy. (10) Phái Cát Cử thành lập vào thế kỷ thứ 11, người sáng lập là Mã Nhĩ Ba và đệ tử ông ta Mễ Lạp Nhật Ba. Vì họ áp dụng tập quán mặc tăng y màu trắng như tăng nhân Ấn Độ tu pháp khi xưa, cho nên dân gian gọi là “Bạch giáo”. Phái Cát Cử thoạt đầu có hai loại truyền thừa. Thứ nhất là “Hương Ba Cát Cử” do Quỳnh Ba làm tổ sư, thứ hai là “Mã Nhĩ Ba Cát Cử”, còn gọi là “Đạt Ba Cát Cử” do dịch sư của Mã Nhĩ Ba là Khước Cát Lạc Trác truyền lại. (11) Đến thế kỷ 15, chi phái Hương Ba Cát Cử dần dần suy bại, còn chi phái Đạt Ba Cát Cử thì truyền thừa hưng thịnh, các chi phái nhỏ dưới chi phái này rất nhiều, sau hình thành nên cục diện “bốn to tám nhỏ”. “Bốn to tám nhỏ” là chỉ bốn đại đệ tử của Đạt Ba La Kiệt – người sáng lập ra chi phái Đạt Ba Cát Cử lại lần lượt thành lập nên bốn hệ phái Cát Mã, Phách Trúc, Thái Ba và Bạt Nhung. Trong đó, tám đệ tử của hệ phái Phách Trúc lại thành lập nên tám chi hệ Trực Cống, Trúc Ba (nay là quốc giáo của Butan), Đạt Long, Nhã Tang, Sở Bố, Mã Thương, Da Ba, Tu Bảo.(12) Lãnh tụ tinh thần của Phách Trúc Cát Cử và Cát Mã Cát Cử từng nhận sắc phong của hai triều Nguyên Minh, trước sau hai lần nắm giữ chính trị toàn vùng Tây Tạng. Sau khi phái Cách Lỗ hưng thịnh, phái Cát Cử vẫn còn có bốn hệ phái Trực Cống, Cát Mã, Ba Nhung (Bạt Nhung), Trúc Ba duy trì được thế lực nhất định.(13) Điều đáng chú ý là, trong bốn hệ phái lớn này, người sáng lập ra phái Cát Mã Cát Cử là Khước Cát Trát Ba là môn đồ của Đạt Ba La Kiệt, khi đó được gọi là Đô Tùng Khâm Ba, sau này chế độ Phật sống chuyển thế độc đáo của Phật giáo Tạng truyền được khởi đầu phái này. Phái Mũ Đen cũng là một trong những hệ thống Phật sống chuyển thế của Cát Mã Cát Cử. Đô Tùng Khâm Ba - người sáng lập ra Cát Mã Cát Cử là Phật sống đầu tiên, hiện nay đã chuyển thế đến đại Phật sống Cát Mã Bát đời thứ 17.(14) Bởi vì cả khu vực Tây Tạng thuộc về một quốc gia chính giáo hợp nhất, cho nên sau này các tông phái đều bắt chước chế độ Phật sống chuyển thế của phái Cát Mã Cát Cử để củng cố quyền lực chính trị, dường như mỗi một ngôi chùa đều có một Phật sống, trong đó tiểu phái Tang Nhị của phái Hương Ba Cát Cử có Phật Đa Cát Phách Mẫu là vị nữ Phật sống duy nhất của Tây Tạng. Tuy rằng phái Cát Cử chia ra nhiều chi phái, nhưng tông chỉ chủ yếu vẫn lấy kinh điển như “Na Lạc lục pháp” và “Đại Thủ Ấn” làm pháp nghĩa chính tu căn bản. Sự khác biệt giữa các phái là trước tiên sử dụng nhiều phương pháp khai đạo thiện xảo để tùy thuận theo trình độ lĩnh ngộ và năng lực tiếp nhận của người tu học, vì căn cơ và phương pháp dẫn dắt khác nhau, nên mới hình thành nên tông phong riêng, tạo nên thế tông phái như rừng.(15) Tín đồ và sự tu hành của phái Cát Cử chủ yếu theo hình thức cư sĩ tại gia là chính, nghiêm cẩn tuân thủ giới luật, lấy Mật thừa làm chỉ quy, nhưng Hiển tông cũng chiếm địa vị tương đương.(16) 4. Phái Cách Lỗ (Hoàng giáo) Tổ sư của phái Cách Lỗ là Tông Khách Ba, thành lập phái này vào thế kỷ thứ 15. Lúc vãn niên, Tông Khách Ba xây dựng các ngôi chùa Cam Đan, Triết Phong, Ba Lạp ở đông bắc La Sa, vì thế còn được gọi là phái chùa Cam Đan, gọi tắt là phái Cát Lỗ, biến âm đọc thành Cách Lỗ, dịch âm là phái Thiện Quy. (17) Năm đó, Tông Khách Ba phát hiện giới luật các giáo phái ở Tây Tạng không được nghiêm cẩn, cho nên phát động một loạt cuộc cách tân về tôn giáo, đồng thời nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của dân Tạng, theo đó mà thành lập nên phái Cách Lỗ. (18) Lại cũng vào thời đó, phái Cát Đương do đệ tử của A Để Hạp là Trọng Đôn Ba sáng lập bước vào thời kỳ mạt, nên phái Cách Lỗ đã thay thế, kế thừa giáo nghĩa của phái Cát Đương và phát triển thêm lên, cho nên phái Cách Lỗ còn có tên khác nữa là phái Tân Cát Đương. (19) Để phân biệt rõ với các chi phái khác của Mật tông Tây Tạng, tăng lữ phái Cách Lỗ đã nhuộm áo mũ thành màu vàng, cho nên còn có tên gọi là phái Hoàng Y hay phái Hoàng Mão, gọi tắt là Hoàng giáo (Nguyên nhân đổi thành mũ màu vàng, ở Tây Tạng có hai truyền thuyết: Thứ nhất, khi thuyết giáo, Tông Khách Ba ngẫu nhiên lộn ngược mũ ra đội, sau đó thì lấy màu vàng bên trong mũ ghi chép lại. Thứ hai, khi Tông Khách Ba nhuộm áo, các màu khác đều nhuộm không thành, chỉ có màu vàng là tươi sáng đẹp mắt, vì thế mà dùng màu vàng). (20) Sau khi phái Cách Lỗ kế thừa và phát huy phái Cát Đương, lại ra sức thi hành giữ nghiêm giới luật và nêu ra thứ tự tu hành Hiển-Mật, nên thế lực của phái này nhanh chóng phát triển, tín chúng tu hành nhân tài như nấm sau mưa, tạo nên kỳ tích đến sau ngồi trước ở toàn đất Tạng. Đệ tử Tông Khách Ba là Căn Đôn Chu Ba sáng lập ra chùa Trát Thập Luân Bố, sau được truy phong là Đạt Lai Lạt Ma đời thứ nhất. Một đệ tử khác tên là Khắc Chu Khúc Kiệt kế nhiệm làm trụ trì chùa Cam Đam, sau được truy phong làm Ban Thiền đời thứ nhất, phát triển thành hai pháp mạch lớn chuyển thế tương truyền. Phái Cách Lỗ do tinh mật lựa chọn áo nghĩa thâm sâu của Phật giáo, xiển minh chỗ yếu nghĩa tối thâm trong trước tác của cha con Long Thụ, trở thành chủ lưu của Phật giáo Tạng truyền. (21) Phái Cách Lỗ rất coi trọng chế độ dạy học trong tự viện, phải tu xong chương trình Hiển giáo mới có tư cách để tu học Mật giáo, ít nhất phải nghiên cứu năm bộ luận lớn là “Thích lượng luận”, “Hiện quan trang nghiêm luận”, “Nhập trung luận”, “Câu xá luận”, “Luật kinh” và tu học thứ tự đạo Bồ Đề 10 năm mới có thể được phép tu học pháp Mật thừa. Trong Mật pháp thì lấy “Đại uy đức luận”, “Na lạc lục pháp” là kinh điển cao nhất. (22) Phái Cách Lỗ áp dụng chế độ Phật sống chuyển thế, đến nay đã truyền đến Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 và Ban Thiền đời thứ 11. Trong đó, Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 thực hiện chính sách chính giáo hợp nhất, đưa văn hóa Tây Tạng đẩy lên một đỉnh cao chưa từng có. Khi chính phủ Trung Quốc còn chưa vào Tây Tạng, phái Cách Lỗ là tầng lớp lãnh đạo nắm giữ đại quyền chính giáo toàn đất Tây Tạng, cũng là giáo phái Mật tông có thực lực mạnh nhất. Hiện nay Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 của phái này không những là lãnh tụ tinh thần của toàn bộ dân chúng đất Tạng mà còn trở thành nhân vật tu hành nổi tiếng nhất, có sức ảnh hưởng nhất trong giới tôn giáo thế giới. Tổ sư Tông Khách Ba từng viết hai bộ sách lớn là “Mật tông đạo thứ đệ quảng luận” và “Bồ Đề đạo thứ đệ quảng luận”, thể hiện đặc sắc Hiển – Mật kiêm tu của phái Cách Lỗ, có ảnh hưởng rất sâu rộng, trở thành bảo điển của người tu học Mật tông, sau này được Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 hết mực tôn sùng. Chính vì thế lực và hai bộ “Quảng luận” của phái Cách Lỗ có ảnh hưởng sâu sắc đối với người học Phật ở xã hội hiện đại, cho nên bài luận văn này cũng lấy giáo nghĩa của phái này làm đối tượng luận chứng chủ yếu. Điều đáng nhắc đến là, ngoại trừ thuyết tứ đại phái “Hồng Hoàng Hoa Bạch”, còn có thuyết tứ đại phái “Hồng Hoàng Hắc Bạch”. Về Hắc giáo, pháp sư Thánh Nghiêm nói: [Hắc giáo vốn dĩ là ngoại đạo Bổng giáo (Bôn giáo), cúng tế thiên địa nhật nguyệt, tinh tú lôi vũ, sông núi gò hang, cho đến tất cả vạn vật. Họ lấy niệm chú làm chính sự, tôn sùng vu thuật, lấy việc giáng thần làm đại tế. Mũ áo của họ đều màu đen, cho nên gọi là Hắc giáo. Sau khi Phật giáo hưng khởi, người ta gọi nó là Bổng (Bôn) giáo, thể hiện rõ thái độ khinh thị đối với “ngoại đạo”, “dị đoan”, vì phát âm của chữ Bôn này lại vừa hay giống với âm “nam thầy cúng” của người Mông Cổ. Điều này chứng tỏ Hắc giáo tuyệt đối không phải là tông chi nào của Phật giáo. Tuy nhiên, Hắc giáo cũng chia làm hai phái tả hữu. Tả phái gần với Hoàng giáo, trì giới trọng luật; hữu phái gần với Hồng giáo. Hiện nay chỉ có Tát Già ở hậu Tạng và bộ phận 39 tộc khu vực Tỳ Liên ở Tây Khang, Thanh Hải còn đang duy trì tín ngưỡng. Không còn nghi ngờ gì, kinh điển chùa chiền của Hắc giáo và tổ sư mà tăng lữ phụng thờ (Đại sư Trí Huệ, tiếng Tạng là Đan Ba Hỉ Nhiêu)…đều hấp thu sự ảnh hưởng của Phật giáo.] (23) Qua đó có thể thấy, Hắc giáo vốn dĩ là Bôn giáo chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo, sau này được nhập vào hai đại phái Hồng giáo (phái Ninh Mã) và Hoàng giáo (phái Cách Lỗ). Chính vì Hắc giáo hiện nay thế lực không lớn, cho nên bài viết này chấp nhận thuyết “Hồng Hoàng Hoa Bạch”. III. ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA CÁC CHI PHÁI MẬT TÔNG TÂY TẠNG Mật tông Tây Tạng (Phật giáo Tạng truyền) tuy chia thành nhiều giáo phái lớn nhỏ, nhưng xét về tổng thể, giữa họ đều có những đặc trưng chung. Trên thực tế, các giáo phải của Mật tông Tây Tạng vốn dĩ là cùng một hệ thống. Truy tìm nguồn gốc của Mật tông Tây Tạng, chúng ta phát hiện ra rằng họ đều đến từ Phật giáo Ấn Độ, sau đó lại dung hợp với đặc sắc văn hóa bản địa, cuối cùng mới hình thành nên cái gọi là “Phật giáo Tạng truyền”. Các tông phái của Phật giáo Tạng truyền tuy có nhiều, nhưng nó khác với tông phái của Ấn Độ. Phật giáo Ấn Độ dựa vào sự sai biệt về kiến giải mà phân, còn các chi phái của Phật giáo Tạng truyền thì phân biệt dựa trên sự khác nhau về truyền thừa. Do đó, người Tạng thường nói các tông phái của Phật giáo Tạng truyền như một cục vàng, chia cắt thành nhiều cục nhỏ, mỗi cục đó vẫn đều là vàng, về bản chất không có sai khác. (24) Bốn đại tông phái Hồng Hoàng Hoa Bạch của Mật tông Tây Tạng nói trên cũng giống như vậy. Để hiểu rõ hơn về bản chất của tứ đại tông phái này, chúng ta có thể tham khảo ý kiến của Đại sư Thái Hư: [Đọc qua phái Bạch Y của Tây Tạng do Liên Bồ Đề dịch, thì Tây Tạng có bốn phái Hồng, Hoàng, Bạch, Hắc. Ngoại trừ Hắc phái là ngoại đạo, các phái còn lại đều là Phật giáo, thực hành rõ pháp Lục thành tựu, tự xưng là Mật truyền vượt qua trên cả Vô thượng bộ trong thứ tự đạo Mật tông. Đối chiếu chúng, thấy cũng là hành pháp nằm trong Vô thượng bộ, nhưng phát huy theo đặc điểm mà nó nghiêng về, tự cho rằng mình là nhất. Phái Hồng Y cũng có chỗ tự cho mình là vượt trội, kỳ thực chỉ là giống nhiều khác ít mà thôi. Trong đó, họ lấy “Linh nhiệt thành tựu” làm nền tảng cốt lõi, năm phái khác cũng đều dựa vào đó. “Ảo quán”, “Mộng quán” thì cũng bình thường, “Tịnh quang trung âm” là thành tựu tối thượng, nhưng cũng là điểm chung giữa hai phái Hồng, Hoàng. “Chuyển thức thành tựu” đều là pháp Di Đà của bên Mật, có điều thay Di Đà bằng Kim Cương Đại Trì. Quan sát “Ý biến thắng huệ nữ thân đoạn” có thể thấy rõ ràng Vô thượng bộ của Tạng Mật đều là bí mật tu Dục Lạc định.] (25) Có thể thấy, các chi phái Mật tông Tây Tạng thoạt nhìn thì khác nhau, nhưng về bản chất lại là “đại đồng tiểu dị”, sự khác biệt giữa họ không rõ rệt lắm. Dưới đây, bài viết này sẽ giới thiệu giản lược đặc điểm chung của các tông phái Mật tông Tây Tạng. 1. Các tông phái Mật tông Tây Tạng có liên quan đến Bôn giáo Như trên đã nói, nhiều chi phái như Ninh Mã, Hắc giáo…đều bắt nguồn từ Phật giáo của đầu thời kỳ mạt pháp ở Ấn Độ, ngoại đạo pháp Ấn Độ (Tính Lực phái) và Bôn giáo bản địa kết hợp với nhau mà thành. Trong đó, Bôn giáo (Bổng giáo) chính là tôn giáo nguyên thủy của Tây Tạng, cũng là một bộ phận của Tát Mãn giáo Mông Cổ. Dân tộc Mông Cổ cho rằng phúc họa, khổ lạc ở nhân gian đều do quỷ thần làm chủ, do đó, trong giáo nghĩa của họ có đầy nội dung vu thuật. Ngay từ đời Đường, người Hán đã biết người Tạng chuyên sùng bái quỷ thần và vu thuật: “thường hay tế bái thần quỷ, người dân tin sùng đồng cốt” (26). Còn về quan hệ giữa Bôn giáo và Tát Mãn giáo, học giả Italy Tucci trong bài “Tôn giáo Tây Tạng” viết rằng: [“Xét về các phương diện tính chất, tác dụng, vũ trụ quan, sùng bái, nghi thức, chiêm bốc, phục sức và pháp khí, tôi đã làm một số so sánh giữa Bôn giáo và Tát Mãn giáo ở khu vực Tây Tạng. Từ đây có thể thấy rõ rằng Bôn giáo có rất nhiều điểm trùng hợp với Tát Mãn giáo trên nhiều phươg diện. Bôn giáo có thể nói đích xác là hình thức biểu hiện của Tát Mãn giáo ở khu vực Tây Tạng. Mà loại hình thức này lại mang theo đặc điểm của dân tộc khu vực Tây Tạng. Bôn Ba (tức Bôn giáo), hiển nhiên chính là Tát Mãn trong Tạng tộc cổ đại.”] (27) Chính vì vậy, Phật giáo Tạng truyền (Mật tông Tây Tạng) hình thành sau thế kỷ thứ 8 ở đất Tạng chủ yếu là một loại tôn giáo đặc biệt do Mật tông Ấn Độ và Bôn giáo dung hợp sinh ra, còn gọi là “Lạt Ma giáo”. (28) Do Bôn giáo sử dụng chú ngữ (thần chú) và các nghi lễ cúng tế đặc biệt nhiều, cho nên sau khi kết hợp với Mật tông Ấn Độ hình thành nên Phật giáo Tạng truyền, vẫn tiếp tục sử dụng thần chú (quỷ chú), nghi lễ vu thuật, cho đến sáng tạo thêm nhiều chú ngữ là việc đương nhiên dễ hiểu. Vì thế, có học giả cho rằng hình thức đặc biệt của Phật giáo do Lạt Ma làm đại diện ở Tây Tạng đã hấp thu một lượng lớn nội dung nghi lễ vu thuật cho đến một loạt thần bảo hộ. (29) Tiến sĩ Alexander Berzin trong bài “Bôn giáo và Phật giáo Tạng truyền” từng nói về quan hệ giống và khác giữa Bôn giáo với các chi phái khác. Ông nói: [“Chúng tôi phát hiện giữa Bôn giáo và các phái của Phật giáo Tạng truyền có một số lượng lớn điểm chung. Đó là lý do tại sao tôn giả Đạt Lai Lạt Ma nói Bôn giáo là một trong năm truyền thống lớn. Tín đồ Bôn giáo có lẽ không thích điều này, nhưng chúng ta có thể gọi họ là một hình thức khác của Phật giáo Tạng truyền. Vấn đề này còn xem chúng ta định nghĩa thế nào về truyền thống Phật giáo. Thuật ngữ của họ tuyệt đại bộ phận là tương đồng. Bôn giáo đàm luận về giác ngộ, đạt được giác ngộ, chư Phật…Có một số thuật ngữ không giống nhau, ví dụ như tên của các Bản tôn, nhưng giáo nghĩa cơ bản đều giống nhau. Có tồn tại một số sai biệt rất nhỏ, ví dụ như nhiễu hành ở Bôn giáo là ngược chiều kim đồng hồ chứ không phải là thuận chiều kim đồng hồ. Loại hình mũ dùng trong nghi thức cũng khác. Trong Bôn giáo, ngoại trừ một bộ phận áo lót là màu lam, chứ không phải là màu đỏ hoặc màu vàng, nhưng y phục của tăng nhân cũng hoàn toàn tương đồng.”] (30) Xét về lịch sử Phật giáo Tạng truyền mà nói, Bôn giáo xuất hiện sớm nhất, còn phái Cách Lỗ kế thừa giáo pháp phái Cát Đương ra đời muộn nhất, nhưng do triều Thanh gọi Bôn giáo là Hắc giáo và áp dụng các chính sách áp chế, đồng thời phái Cách Lỗ luôn có xu thế hưng thịnh, sau này rất nhiều tín đồ Bôn giáo đã cải đạo sang tin theo phái Tát Già và phái Cách Lỗ. Xét về mặt bề ngoài, hai bên có vẻ xa cách, nhưng về các phương diện tu hành, nghi lễ, mục đích…đều giống nhau. Về quan hệ giữa Bôn giáo và phái Cách Lỗ, có một vị Phật sống cho rằng: “Hai giáo phái này đứng về bề ngoài thì như mâu thuẫn nhau, giữa các tín đồ của họ có sự bài xích, hạ nhục và phỉ báng lẫn nhau. Xét về giáo nghĩa Hiển tông, vấn đề Kiến, Tu, Hành và Quả của hai giáo phái không có mâu thuẫn, cũng không có xung đột, giống nhiều khác ít, mục đích đạt đến là một, không phải hai. Xét về góc độ Mật tông, thì có sự phân biệt. Giữa phương pháp tu hành, khẩu quyết, nghi lễ, Bản tôn, hộ pháp…lại khác nhiều giống ít, nhưng mục đích nhắm đến là một, không phải hai”. (31) Có thể thấy, Bôn giáo tuy là tôn giáo bản địa đất Tạng, nhưng sau này chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ, nội dung của nó ngoại trừ tự mình thay đổi ra, còn xen tạp với các chi phái sinh sau khác, khiến cho Phật giáo Tạng truyền đều có thành phần sùng bái quỷ thần (như đem quỷ thần của Bôn giáo làm thần hộ pháp trong Phật giáo), trì chú, nghi lễ cúng tế…của Bôn giáo. 2. Các phái của Mật tông Tây Tạng đều áp dụng chế độ Phật sống chuyển thế Như trên đã nói, Phật sống chuyển thế (truyền thừa chuyển thế, hay còn gọi là truyền thừa tổ cổ) là chế độ truyền thừa độc đáo của Mật tông Tây Tạng, khởi nguồn sớm nhất từ phái Cát Mã Cát Cử ở thế kỷ thứ 13, sau này được các chi phái khác đua nhau bắt chước và áp dụng, cho đến nay thì chế độ này vẫn còn tồn tại, hình thành nên hệ thống chứng nhận chuyển thế rộng rãi ngày nay. Trước khi hấp thu chế độ Phật sống chuyển thế, các giáo phái về cơ bản đều áp dụng chế độ thế tập, nhưng đối với hệ thống chính giáo hợp nhất ở Tây Tạng mà nói, chế độ Phật sống chuyển thế là một thủ đoạn tốt nhất để củng cố quyền lực và địa vị của thủ lĩnh, bảo vệ tăng gia số lượng tín đồ, do đó thông qua hệ thống tự viện ở đất Tạng, từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương đều áp dụng chế độ này, lan rộng đến tất cả các giáo phái ở Tây Tạng. Mạng tiếng Hoa quốc tế chính thức của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cho rằng: “Hiện nay, trong các tông phái như Tát Già, Cách Lỗ, Cát Cử, Ninh Mã, Giác Nãng(32), Phách Đông của Phật giáo Tạng truyền và Bôn Ba giáo (tức Bôn giáo), có rất nhiều Lạt Ma chuyển thế đang gánh vác trách nhiệm nặng nề hộ trì giáo pháp”. (33) Trình tự thông thường của Phật sống chuyển thế là: Trước tiên xác định phương hướng của Phật sống chuyển thế, sau đó tự viện phải các cao tăng chia nhau đi đến các địa điểm bí mật để tìm linh đồng. Sau khi xác định được vài linh đồng ứng cử, trải qua một loạt các biện pháp kiểm nghiệm, cuối cùng xác định ra một linh đồng chuyển thế trong số đó, rồi cử hành nghi thức tọa sàng. (34) Trong bài “Nhìn nhận Lạt Ma chuyển thế ở Tây Tạng từ quan điểm Phật giáo”, Trịnh Kim Đức đã quy nạp toàn bộ quy trình Phật sống chuyển thế ở Tây Tạng thành 11 chủ đề để xác định các giai đoạn chính: (1) Cái chết của Bồ Tát đại thành tựu. (2) Sự tái sinh theo nguyện hạnh của Bồ Tát. (3) Một số điềm báo trong thời kỳ thụ thai và mang thai. (4) Đứa trẻ ra đời và các hiện tượng linh dị đi kèm. (5) Quan sát lời nói và hành vi của linh đồng, liên hệ với Lạt Ma kiếp trước. (6) Thực hiện xác định linh đồng chuyển thế thông qua người hoặc đoàn thể của khả năng thấu thị lớn. (7) Sự huấn luyện nghiêm khắc và cẩn mật đối với Lạt Ma chuyển thế. (8) Lạt Ma chuyển thế có thể nhớ được những sự việc từng xảy ra ở kiếp trước. (9) Lạt Ma chuyển thế không cầu viện bên ngoài mà ngộ đạo. (10) Lạt Ma chuyển thế gánh vác trọng trách của phả hệ. (11) Sự nối tiếp sau cái chết của Lạt Ma chuyển thế. (35) Trên thực tế, sự truyền thừa và xác nhận Phật sống chuyển thế không đơn giản như vậy. Mọi người đều biết, Tây Tạng bắt đầu từ thế kỷ thứ 13 luôn chịu sự kiểm soát của các triều đại Nguyên, Minh, Thanh. Đặc biệt sau khi phái Cách Lỗ áp dụng chế độ Phật sống chuyển thế, dẫn đến phong trào Phật sống chuyển thế ở toàn đất Tạng, do đó triều Thanh bắt đầu tiến hành pháp chế hóa đối với phạm vi, trình tự, phương thức Phật sống chuyển thế của tất cả các chi phái của Phật giáo Tạng truyền, thể hiện quyền lực quản lý tuyệt đối của thiên triều đối với Tây Tạng và các sự vụ liên quan đến xác định Phật sống. Trong đó, “Khâm định Tạng nội thiện hậu chương trình 29 điều” ban hành những năm Càn Long (năm 1793) đã có những chế định chi tiết về quản lý các sự vụ Phật giáo Tạng truyền, đặc biệt là Phật sống, Ban Thiền chuyển thế, lần đầu tiên quy định áp dụng biện pháp rút thăm bình vàng để lựa chọn linh đồng Phật sống, Ban Thiền chuyển thế. Ví dụ, điều thứ nhất quy định như sau: [Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Nghạch Nhĩ Đức Ni là giáo chủ Hoàng giáo. Khi Phật sống và Hô Đồ Khắc Đồ của Mông Cổ và Tây Tạng chuyển thế (thành) linh đồng, theo tục cũ của Tây Tạng, thường dùng quẻ bói hỏi tứ đại thần Hộ pháp, vì xác định theo cách khẩu truyền, chưa chắc đã chuẩn xác. Nay đại hoàng đế vì muốn hoằng dương Hoàng giáo, đặc biệt ban cho bình vàng. Sau này để xác định linh đồng chuyển thế, trước hết phải mời tứ đại thần Hộ pháp tuyển chọn vài ấu đồng (có hiện tượng) linh dị, sau đó đem tên, ngày tháng năm sinh của linh đồng viết lên thẻ bài, đặt vào trong bình vàng. Sau khi được Phật sống đại đức cầu đảo bảy ngày, tiếp đó được Hô Đồ Khắc Đồ và đại thần (đại diện Thanh triều) trú Tạng cùng nhau rút thẻ xác định trước tượng Phật Thích Ca trong chùa Đại Chiêu. Nếu như tứ đại Hộ pháp sơ tuyển chỉ có một vị linh đồng, thì cũng phải đem thẻ bài ghi tên linh đồng sơ tuyển đó cùng một thẻ bài không tên đặt vào bình vàng. Nếu rút được thẻ không tên thì không được xác định linh đồng sơ tuyển đó, mà phải tiến hành tìm kiếm nữa. Vì Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Nghạch Nhĩ Đức Ni là quan hệ sư đệ, phàm Hô Tất Lặc Hãn của Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Nghạch Nhĩ Đức Ni tức nghĩa là sự đệ với nhau, để họ tự định với nhau. Khi rút thẻ xác định linh đồng phải dùng ba loại văn tự Mãn, Hán, Tạng để viết lên thẻ bài, thì mới công bằng không thiên lệch, chúng nhân mới vui vẻ tin phục. Đại hoàng đế hạ chỉ dụ như vậy, là nhằm hoằng dương Hoàng giáo, để tránh hộ pháp làm sai, tự nên khâm tôn chấp hành. Bình vàng cần sạch sẽ không tỳ vết, thường đặt ở trước tượng tôn giả Tông Khách Ba.] (36) Sau này, Trung Hoa dân quốc và Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều kế thừa biện pháp quản lý của Thanh triều, chế định ra các quy định hành chính càng hoàn thiện hơn đối với các loại sự vụ về Phật sống, Lạt Ma, chùa chiền…Ví dụ, chính phủ Dân Quốc năm Dân Quốc thứ 24 (năm 1935) công bố “Điều lệ quản lý Lạt Ma chùa chiền”, năm Dân Quốc thứ 25 (năm 1936) công bố “Biện pháp đăng ký Lạt Ma”, “Biện pháp bổ nhiệm Lạt Ma”, “Biện pháp thưởng phạt Lạt Ma”, năm Dân Quốc thứ 27 (năm 1938) công bố “Biện pháp chuyển thế Lạt Ma”. Gần đây, năm 2007 chính phủ Trung Quốc còn ban hành “Biện pháp quản lý Phật sống chuyển thế của Phật giáo Tạng truyền”. Quy định hành chính mới nhất này vừa là sự kế thừa việc quản lý các sự vụ Phật sống chuyển thế của chính phủ trung ương từ triều Thanh đến nay, đồng thời là chế định xuất phát từ thực tế Phật giáo Tạng truyền. (37) Phần trên đã nói, hiện tượng Phật sống chuyển thế ở các chi phái toàn đất Tạng là rất phổ biến, gần như mỗi tự viện đều có Phật sống to nhỏ khác nhau, do đó chính phủ Trung Quốc cũng tiến hành quản lý phân cấp đối với các Phật sống lớn nhỏ. Ví dụ, điều 5 “Biện pháp quản lý Phật sống chuyển thế của Phật giáo Tạng truyền” quy định khi Phật sống chuyển thế xin phê chuẩn, cần phải báo cáo theo từng cấp đến Ban sự vụ tôn giáo chính quyền nhân dân. Ngoài ra, điều 9 cũng có quy định phê chuẩn theo từng cấp thế này: “Sau khi xác định linh đồng Phật sống chuyển thế, phải báo Ban sự vụ tôn giáo chính quyền nhân dân Tỉnh, Khu tự trị phê chuẩn. Nếu là Phật sống có ảnh hưởng khá lớn trong giới Phật giáo, thì báo chính quyền nhân dân Tỉnh, Khu tự trị phê chuẩn. Nếu là Phật sống có ảnh hưởng trọng đại, thì báo Cục sự vụ tôn giáo quốc gia phê chuẩn. Nếu là Phật sống có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng, thì báo Quốc vụ viện phê chuẩn”. (38) Qua đó có thể thấy, chế độ Phật sống chuyển thế trải qua mấy trăm năm phát triển, tuy đã đạt đến xu thế trăm hoa đua nở, nhưng thực tế đều đang nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc. Căn cứ nghiên cứu trong cuốn sách “Phật giáo Tạng truyền và Bắc Kinh” của Lý Đức Thành, từng có 158 Hô Đồ Khắc Đồ đăng ký chính thức ở viện Lý Phiên triều Thanh. (39) Từ năm 1991 đến nay, các nơi Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam…đã có đến gần 1000 Phật sống chuyển thế mới được phê chuẩn thông qua con đường hợp pháp. (40) Ý ngoài lời của câu “được phê chuẩn thông qua con đường hợp pháp” nghĩa là ở đất Tạng còn có rất nhiều Phật sống bất hợp pháp. Pháp sư Thánh Nghiêm trong cuốn “Lịch sử Phật giáo Tây Tạng” nói rõ thêm thế này: [Ở các nơi của Tây Tạng, một ngôi chùa có đến mấy vị Phật sống thì cũng không có gì làm lạ, trong đó có người từng được triều đình sách phong là Hô Đồ Khắc Đồ, cũng có người chưa từng được thụ phong. Ví dụ, dịch giả cuốn “Bồ Đề đạo thứ đệ lược luận” – Pháp sư Đại Dũng – ông vì nhập Tạng học Mật, cũng tu thành Hô Tất Lặc Hãn có thể tự tại chuyển thế, thị tịch năm Dân Quốc thứ 18, qua năm sau thì chuyển sinh vào đất Tây Khang, đến năm Dân Quốc thứ 31, đời thứ hai của ông ấy đã thành sa di. Những Phật sống kiểu như thế, đương nhiên rất nhiều, nhưng lại không thể được hưởng chức hàm Hô Đồ Khắc Đồ.] (41) Nói về phái Cách Lỗ, đến nay Phật sống chuyển thế đã truyền đến đời thứ 14, Ban Thiền truyền đến đời thứ 11, nhưng không phải là Phật sống, Ban Thiền đã xuất hiện ngay khi sáng lập giáo phái, mà sau này mới áp dụng chế độ này. Năm 1546, đệ tử Pháp Đài chùa Triết Phong là Căn Đôn Gia Thác sau khi qua đời, nhằm phòng chống sự phân liệt trong nội bộ phái Cách Lỗ, thế là họ bắt chước biện pháp chuyển thế của phái Cát Mã Cát Cử, đem Sở Nam Gia Thác ba tuổi do Lạt Ma đương quyền ở cấp lãnh đạo thượng tầng tìm về làm linh đồng chuyển thế của ông ta, trở thành lãnh tụ truyền thừa của phái Cách Lỗ. Đây mới là sự khởi đầu của việc áp dụng chế độ Phật sống chuyển thế của phái Cách Lỗ. Đến năm 1578, thủ lĩnh Thổ Mặc Đặc Bộ của Mông Cổ là An Đáp Hãn ban tặng cho Sở Nam Gia Thác làm “Thánh chức nhất thiết ngõa tề nhĩ đạt lạt Đạt Lai Lạt Ma”. Sau đó, phái Cách Lỗ dựa vào danh hiệu này mà truy phong cho đệ tử của tổ sư Tông Khách Ba là Căn Đôn Chủ Ba là Đạt Lai Lạt Ma đời thứ nhất, lại truy phong cho Căn Đôn Gia Thác là Đạt Lai Lạt Ma đời thứ hai, đến Sách Nam Gia Thác mới là Đạt Lai Lạt Ma đời thứ ba. (42) Điều đáng chú ý là, trong các chi phái của Phật giáo Tạng truyền, Phật sống chuyển thế là một việc vô cùng thiêng liêng, nhưng dựa vào một loạt những phương thức quản lý nói trên, đặc biệt là chế độ rút thẻ bình vàng có từ đời Thanh đến nay, không khỏi khiến chúng ta hoài nghi về giá trị chân thực của bản thân Phật sống chuyển thế: lẽ nào Phật sống có thể được quyết định thông qua phương thức thủ công? Phật sống được coi là người có chứng lượng rất cao trong phương diện tu hành lẽ nào lại có thể do người có chứng lượng thấp hơn hoặc là phàm phu quyết định? Nhưng dù bất kể thế nào, dựa trên những thống kê chưa đầy đủ, trong Phật giáo Tạng truyền trước sau đã có tổng cộng hơn 70 vị linh đồng chuyển thế của đại Phật sống được xác định bằng phương thức rút thẻ bình vàng, và đều liên quan đến mấy chi phái chủ yếu như phái Cách Lỗ, Ninh Mã và Cát Mã Cát Cử. (43) 3. Mật tông Tây Tạng đều có quan hệ mật thiết với phái Tính Lực của Ấn Độ giáo Như trên đã nói, các chi phái của Mật tông Tây Tạng đều do các yếu tố Phật giáo Ấn Độ, phái Tính Lực của Ấn Độ giáo và Bôn giáo hỗn hợp mà thành. Nhưng “Phật giáo Ấn Độ” ở đây đã bắt đầu bị Mật giáo hóa vào giai đoạn cuối của thời kỳ Tượng pháp, không còn là Phật giáo thực sự nữa. Tứ đại giáo phái của Mật tông Tây Tạng đều là giống nhiều khác ít trên các phương diện giáo nghĩa, nghi quỹ, tu hành…, không có sự khác biệt lớn nào. Ngô Minh Chỉ trong cuốn sách “Bàn sơ về song thân pháp của Đạt Lai Lạt Ma – kiêm luận đọc giải mật mã Davinci của ‘Mật tục’” nói rằng: “Mật tông Tây Tạng tuy diễn biến thành các giáo phái Hoàng, Hồng, Bạch, Hoa, nhưng nội dung tu hành của họ đều là nối tiếp giáo nghĩa cơ bản của Liên Hoa Sinh. Giữa các phái đều có chút khác nhau, nhưng giáo nghĩa căn bản lấy phái Tính Lực của Ấn Độ giáo làm gốc thì không có sự khác biệt”. (44) Phật giáo Ấn Độ trong Mật tông Tây Tạng trên thực tế chỉ là hư danh, bởi lẽ các giáo phái này chỉ lấy danh tướng (danh từ) trong Phật giáo làm vỏ bọc bề ngoài, về thực chất thì dựa vào Mật tục của phái Tính Lực làm nòng cốt tu hành. Ngô Minh Chỉ nói:
|
Home » 文章分类_VN » CHÂN TƯỚNG MẬT TÔNG TÂY TẠNG |